Cần huy động nguồn lực xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS
Chính trị - Ngày đăng : 17:14, 11/08/2020
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 được ban hành, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990, đến nay, trên toàn quốc có 212.000 người đang nhiễm HIV và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt ba giảm (giảm số người mới nhiễm HIV; giảm số chuyển sang AIDS; giảm tử vong); kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%...
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu ra một số tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời khẳng định, Luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện Luật.
Theo tờ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tập trung chủ yếu vào các quy định về: Mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế…
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như dự án Luật sửa đổi lần này. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, các công tác liên quan đến nội dung này cần làm quyết liệt hơn nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, kết quả đạt được cũng như mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 có vai trò đóng góp rất quan trọng của khoa học, công nghệ, nhưng nội dung này lại chưa được đề cập trong các báo cáo, cần bổ sung.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, ngoài nguồn lực nhà nước, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định để huy động nguồn lực, nâng cao trách nhiệm của các địa phương và tăng sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời, quan tâm đến công tác tuyên truyền, nguồn lực thực hiện chính sách ngay cả trong thời điểm có các dịch bệnh khác bùng phát…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đánh giá, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ mười. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo quan tâm đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật với các quy định sửa đổi của các luật khác có liên quan để bảo đảm không phát sinh bất cập, mâu thuẫn khi tổ chức thực hiện.