Kết nối giao thương đưa hàng Việt vào thị trường Thái Lan

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 20/11/2022

(HNM) - Để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group, thời gian qua Central Retail Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nghiên cứu thị trường, lựa chọn những doanh nghiệp có mặt hàng phù hợp, tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022”. Ảnh: Minh Huệ

“Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022” do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức vừa diễn ra tại Central World (tại thủ đô Bangkok) - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Qua 5 năm kể từ Tuần hàng đầu tiên năm 2016, Central Retail và Bộ Công Thương đã kết nối hơn 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam quảng bá sản phẩm địa phương sang thị trường Thái Lan.

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 thu hút hơn 70 doanh nghiệp tham gia trưng bày và kết nối giao thương, qua đó giới thiệu những sản phẩm được xem là “tinh túy” nhất của Việt Nam, được lựa chọn kỹ lưỡng, với những nét đặc trưng, riêng biệt như: Sản phẩm có những yếu tố cải tiến vượt bậc, sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ Blockchain; sản phẩm thuộc chương trình OCOP Elite; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn…

Tiêu biểu như các mặt hàng organic hữu cơ của Vinamit; Công ty Cội Việt từ Lào Cai (tương ớt Mường Khương, trà cam, nấm hương) sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để giữ được hương vị của sản phẩm, đồng thời bảo đảm mức độ an toàn cao nhất cho người tiêu dùng; các sản phẩm sô cô la đạt tiêu chuẩn “kinh tế tuần hoàn” của Miss Ede; sản phẩm hạt Macca đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương…

Lần đầu tham dự chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan cũng như có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà thu mua từ Tập đoàn Central Group Thái Lan qua chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan, ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập thương hiệu sô cô la và ca cao Miss Ede chia sẻ, Công ty cũng đã nghiên cứu thị trường Thái Lan qua các báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường về thói quen tiêu dùng, về ngành hàng cà phê, ca cao của Việt Nam. Trong suốt thời gian diễn ra Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, đơn vị đã triển khai những cuộc khảo sát nhỏ trực tiếp với khách hàng thông qua mã QR. Kết quả rất khả quan khi hơn 80% sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan.

Là doanh nghiệp lần đầu tiên tham dự sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan cũng như chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan, Giám đốc Công ty Delta D’ASIA Lê Văn Duy chia sẻ, chúng tôi mang các dòng sản phẩm trà thảo mộc, trà thảo dược đến kênh phân phối của Thái Lan. Việc chứng minh sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan là hết sức quan trọng.

Theo Phó Trưởng phòng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Phương Nga, hiện kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 18,8 tỷ USD năm 2021. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan còn rất khiêm tốn so với kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan. Do vậy, việc thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan để cân bằng lại cán cân thương mại giữa hai nước là nhiệm vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cùng sự hỗ trợ của Central Retail Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam chất lượng cao đã có mặt ở các chuỗi siêu thị tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Thái Lan. Với lợi thế khoảng cách địa lý rất gần cũng như văn hóa tiêu dùng tương đồng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hy vọng các sản phẩm Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn nữa trên kệ hàng của hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail.

Về phía Central Retail Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Paule Lê đánh giá, các sản phẩm Việt đã và đang dần hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm mà nhà cung cấp Việt cần tiếp tục phải làm rõ hơn, đó là xây dựng thương hiệu cũng như kể câu chuyện sản phẩm của mình với người tiêu dùng thế giới. Tập đoàn Central Retail Việt Nam và tại Thái Lan sẽ hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Thái Lan và đi ra thế giới. “Chúng ta không chỉ bán sản phẩm thô. Bán ra thị trường thế giới bắt buộc phải có bao bì, phải có thương hiệu. Thương hiệu này phải để người tiêu dùng các nước trên thế giới có thể đọc được, người Việt Nam rất thông minh trong việc này. Về phía chúng tôi, sẽ hỗ trợ các công ty Việt Nam vào siêu thị một cách tốt nhất”, ông Paule Lê cho biết.

Thanh Hiền