Hội nghị quốc tế về tài trợ cho Lebanon: Thúc đẩy các nỗ lực tái thiết

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 12/08/2020

(HNM) - Chưa đầy một tuần sau vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon, một hội nghị quốc tế đã được gấp rút triệu tập nhằm kêu gọi sự trợ giúp, thúc đẩy các nỗ lực tái thiết quốc gia Trung Đông này. Hiện tại, Lebanon đang đứng trước nguy cơ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trầm trọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới hiện trường vụ nổ ở Beirut nhân chuyến thăm Lebanon ngày 6-8.

Hội nghị quốc tế trực tuyến về tài trợ cho Lebanon do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất và đồng chủ trì với Liên hợp quốc đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel...

Trong một thông cáo phát đi ngày 10-8 vừa qua, Phủ Tổng thống Pháp cho biết, tổng cộng hơn 250 triệu euro đã được các nước và tổ chức cam kết trợ giúp cho người dân Lebanon nhằm khắc phục hậu quả vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut hôm 4-8. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đóng góp 60 triệu euro, riêng Pháp hỗ trợ 30 triệu euro. Một số nước Arab cũng cam kết hỗ trợ Lebanon, trong đó cao nhất là Qatar với 50 triệu euro.

Trước khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra, Lebanon đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đất nước 6,8 triệu dân mang trên mình khoản nợ công hơn 86 tỷ USD, một trong những gánh nặng nợ lớn nhất thế giới. Gần một nửa dân số nước này đã rơi vào cảnh nghèo đói, đồng nội tệ lao dốc, giá cả tiêu dùng tăng không kiểm soát, các doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Do đó, vụ nổ nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat như một “đòn chí mạng” đẩy Lebanon lún sâu vào bế tắc.

Theo đánh giá của Thống đốc Beirut Marwan Aboud, khoảng 300.000 người dân đã mất nhà cửa trong khi thiệt hại từ vụ nổ ước tính từ 3 tỷ USD đến 5 tỷ USD, đánh dấu một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất ở Lebanon từ năm 1990. Các bệnh viện tại Lebanon đang hoạt động hết công suất để ứng phó với thảm họa "kép" do vụ nổ và đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, dự trữ ngũ cốc của Lebanon chỉ còn đủ dùng trong chưa đầy 1 tháng khi hầm ngũ cốc chính của nước này đã bị "thổi bay" trong vụ nổ và Chính phủ hoàn toàn không còn kinh phí khôi phục lại những gì đã bị phá hủy. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Lebanon Raoul Nehme cho biết, khả năng tài chính của Ngân hàng Trung ương nước này rất hạn chế trong việc giảm nhẹ những tác động của vụ việc nếu không có sự hỗ trợ của nước ngoài.

Trước tình cảnh này, hơn bao giờ hết, người dân và Chính phủ Lebanon cần sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế để đưa đất nước vượt qua cơn khủng hoảng. Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J.Mohammed, cần một khuôn khổ ứng phó khẩn cấp trị giá 117 triệu USD để giải quyết hậu quả thảm họa, bao gồm 66 triệu USD cho các nhu cầu nhân đạo tức thời và 51 triệu USD để phục hồi và tái thiết.

Tại hội nghị trực tuyến vừa qua, ngoài việc đưa ra số tiền cam kết tài trợ, các bên tham gia còn bàn bạc về cơ chế phân bổ nguồn tiền này để bảo đảm nguồn tài chính được sử dụng phù hợp, đúng mục đích. Tổng thống Pháp E.Macron là một trong những chính trị gia vận động nhiệt tình nhất cho các nỗ lực cứu trợ Lebanon thời gian qua đã nhấn mạnh rằng, quốc tế cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ vì tương lai của cả Lebanon cũng như khu vực Trung Đông đang bị thách thức.

Trước đó, nhiều quốc gia và tổ chức cũng đã gửi viện trợ khẩn cấp về y tế, nhân đạo và bày tỏ cam kết sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp mà Lebanon cần để vượt qua khó khăn hiện nay. Sự chung tay góp sức của cả thế giới không chỉ là chiếc phao cứu sinh với quốc gia Trung Đông này mà còn thể hiện tình đoàn kết đáng quý, sự tương trợ lẫn nhau trong hoạn nạn của cộng đồng quốc tế.

Minh Hiếu