Bước đột phá cho ngành Nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:29, 12/08/2020
Hiệu quả nhưng chưa có bước đột phá
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhiều mô hình trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã hình thành ở một số địa phương.
Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ cho biết, với gần 10ha trồng hoa, cây cảnh, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp với du lịch sinh thái, mỗi năm hợp tác xã đón khoảng 20.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm mang lại thu nhập cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Cường, chủ mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) cho biết: "Với diện tích 2ha chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa công nghệ cao (hoa đồng tiền, cúc...) mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 1 tỷ đồng".
Đánh giá về hiệu quả từ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, huyện đã hình thành 121 mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi lợn rừng kết hợp nuôi giun trùn quế và trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng cho thu nhập 3-5 tỷ đồng/ha/năm; vùng sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn (diện tích 200ha) thu nhập 333-445 triệu đồng/ha/năm...
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng lĩnh vực thủy sản, dịch vụ nông nghiệp tăng, tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt giảm... Đặc biệt, đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2017-2020 là gần 2,5%; giá trị canh tác đạt 280 triệu đồng/ha/năm, tăng 21 triệu đồng so với năm 2017.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong khi cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh, thiếu tính đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Thực tế, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt để đạt hiệu quả đề ra. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết: Để xây dựng nhà máy sản xuất nấm kim châm ứng dụng công nghệ của Nhật Bản, công ty đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất khoảng 60 tỷ đồng. Với số tiền như vậy, nếu không có chính sách khuyến khích thì không phải doanh nghiệp nào cũng dám đầu tư.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Phạm Thanh Hùng, khó nhất đối với doanh nghiệp là quỹ đất sạch để xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì thế, rất mong chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ doanh nghiệp trong tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện sẽ thực hiện việc dồn ghép ruộng đất, khuyến khích người dân không có nhu cầu sản xuất ký hợp đồng cho thuê dài hạn hoặc góp đất với hợp tác xã, doanh nghiệp để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu, Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ... Trên cơ sở những thế mạnh và đặc thù riêng, Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề.
Để đạt được mục tiêu theo kế hoạch, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, dựa trên tiềm lực và nền tảng hiện tại, Hà Nội sẽ cơ cấu lại tất cả các lĩnh vực. Trong trồng trọt, sẽ cơ cấu lại một số cây trồng chính như phát triển sản xuất lúa gạo (tập trung vào giống lúa Japonica phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu); mở rộng diện tích trồng rau, đậu các loại, cây ăn quả; phát triển vùng rau an toàn quy mô lớn 20-25ha trở lên… Về chăn nuôi, tập trung phát triển theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh... Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các sở, ngành đề xuất chính sách, giải pháp, xây dựng các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, tạo tiền đề để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Với sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, chắc chắn việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo kế hoạch của UBND thành phố sẽ tạo ra bước đột phá mới đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.