Xuất hiện đợt lũ trên sông Hồng - Thái Bình, nhiều vùng biển nguy hiểm
Công nghệ - Ngày đăng : 13:14, 13/08/2020
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 13-8, mực nước thượng lưu sông Thao và sông Lô đang lên chậm, các sông khác ở khu vực Bắc Bộ đang biến đổi chậm và ở mức thấp hơn báo động từ 1,5-3,5m.
Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió lên đến 5.000m hoạt động mạnh dần lên nên ngày và đêm 13-8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ, có nơi trên 120mm/24 giờ.
Đợt mưa diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 18, 19-8, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.
Trên các sông suối ở khu vực thượng lưu sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Thao có khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1, các sông suối nhỏ đạt mức báo động 1 - báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu và thành phố Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nguyên nhân gây sạt, trượt ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động dân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa…
Đồng thời, việc thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: Các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão.
Hiện đang hình thành rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam trên khu vực Biển Đông.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 13-8, vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có mưa rào và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển trên có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.