Nền kinh tế Singapore: Đối mặt với suy thoái

Thế giới - Ngày đăng : 06:46, 14/08/2020

(HNM) - Nền kinh tế Singapore trong quý II-2020 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn nhiều lần so với quý I trước đó, đẩy đảo quốc Sư tử đối mặt với vòng xoáy suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh mẽ, giới phân tích vẫn lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á trước khi năm 2022 kết thúc.

Singapore đang nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 để sớm phục hồi nền kinh tế.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong quý II-2020 của Singapore đã giảm kỷ lục 42,9% so với quý trước và giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ sụt giảm tồi tệ nhất trong 55 năm qua và sâu hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó khi suy giảm GDP của Singapore trong nửa đầu năm 2020 chạm mốc 6,7%. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nhận định, kết quả kinh tế quý II-2020 đã xóa nhòa thành tựu tăng trưởng mà Singapore đạt được trong 2-3 năm trước đó. Trong quý I-2020, GDP của nước này cũng đã giảm 3,3%. Như vậy, với hai quý suy giảm liên tiếp, nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Thực trạng ảm đạm nói trên là hệ quả của việc phần lớn hoạt động kinh tế Singapore bị ngưng trệ trong giai đoạn từ ngày 7-4 đến 1-6 khi nước này đóng cửa một phần để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ và du lịch, trong khi xuất khẩu sụt giảm do nhu cầu chung trên toàn cầu yếu. Các ngành chủ lực của Singapore đều bị tác động mạnh trong quý II-2020, trong đó có sản xuất giảm 31,7%, xây dựng giảm 97,1% và dịch vụ giảm 37,4% so với quý I-2020. Một số lĩnh vực có ghi nhận tăng trưởng như sản xuất thiết bị bán dẫn, dược phẩm... nhưng không đủ để xoay chuyển tình thế.

Mặc dù các biện pháp hạn chế đã dần được nới lỏng từ đầu tháng 6 và Chính phủ Singapore đã triển khai ít nhất 4 gói kích thích kinh tế trị giá gần 100 tỷ USD, tương đương khoảng 20% GDP, nhưng triển vọng phục hồi vẫn bấp bênh. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore vẫn duy trì dự báo thấp đối với tăng trưởng kinh tế nước này năm 2020 khi cho rằng GDP sẽ giảm từ âm 5% đến âm 7%. Một số chuyên gia cũng nhận định, sức cầu sẽ là gánh nặng đối với nỗ lực phục hồi kinh tế Singapore trong bối cảnh nhiều đối tác lớn đang “vất vả” đối phó với dịch bệnh, trì hoãn mở cửa biên giới.

Trong bối cảnh khó khăn đó, một tín hiệu tích cực vừa được đưa ra là khoảng 90% ca nhiễm Covid-19 ở Singapore đều là lao động nhập cư sống tập trung, phần lớn trong số này đã được cách ly và nhiều người đang bình phục. Thực tế này sẽ mở ra cơ hội kiểm soát sớm dịch bệnh, rút ngắn thời gian đưa lao động đi làm trở lại. Đây là yếu tố quan trọng bởi nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Singapore phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Hiện nay, Chính phủ đảo quốc Sư tử đã tăng cường hỗ trợ giúp bảo vệ người lao động và khoảng 24.000 người tìm việc đã nhận được cơ hội việc làm tính đến cuối tháng 7-2020. Những phản ứng kịp thời như vậy được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Singapore trở lại mức dương trong năm 2021 và phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2022. Các chuyên gia cho rằng tiến trình này thậm chí sẽ có thể tăng tốc nếu Singapore kịp thời cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong hai quý cuối năm, mở cửa trở lại các điểm du lịch và dịch vụ khách sạn, tăng cường sản xuất và xuất khẩu dược phẩm.

Do phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài nên nền kinh tế Singapore sẽ còn mất một thời gian tương đối dài để phục hồi, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long chắc chắn sẽ đưa ra những đối sách phù hợp, xứng đáng với niềm tin mà người dân Singapore đã dành tặng trong kỳ bầu cử vừa qua.

Hoàng Linh