Vượt qua khủng hoảng tâm lý mùa dịch
Xã hội - Ngày đăng : 14:22, 15/08/2020
Tác động tiêu cực
Rất nhiều người đang đứng ngồi không yên khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lan rộng. Chị Trương Thị Lan Phương, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, nhà có hai con nhỏ, những ngày này chỉ cần con có triệu trứng ho, sốt là chị lại cảm thấy bất an, nghĩ tới Covid-19. “Đêm hôm qua con kêu hơi mệt, sốt nhẹ, hai vợ chồng đã phải thức cả đêm để theo dõi”, chị Phương kể.
Hay câu chuyện một bệnh nhân Covid-19 được phát hiện tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng khiến hàng trăm người thuộc diện F1 phải cách ly tập trung và nhiều người khác thuộc diện F2 “toát mồ hôi”. Nỗi lo chất chồng, lan từ người này tới người khác.
Chưa kể, dịch Covid-19 có tác động đáng kể tới nếp sinh hoạt, thói quen vui chơi giải trí của nhiều người. Cuộc sống hằng ngày nhiều áp lực, nay lại thiếu đi các “kênh giải trí” như du lịch cuối tuần, không còn cảm giác thư thái bên ly cà phê... khiến tâm lý mỗi người thêm nặng nề. Dưới tác động của dịch, nhiều hoạt động liên quan tới công việc, kinh doanh, học tập cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, khiến một bộ phận người dân thường xuyên có tâm trạng hồi hộp, bất an.
Các chuyên gia y tế lo ngại thực tế này dễ dẫn tới các phản ứng tâm lý tiêu cực, nếu không có cách vượt qua thì hậu quả sẽ khôn lường. PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, dịch Covid-19 khiến con người lo lắng, đó chính là stress. Stress có mức độ khác nhau, khi nhẹ, con người có thể đối phó được, nhưng với trường hợp nặng thì có thể gây hậu quả lớn.
“Bí quyết” ổn định tâm lý
Để chiến thắng dịch Covid-19 thì nhận thức, sức mạnh tâm lý là một yếu tố quan trọng. Theo các chuyên gia, người dân từ trẻ tới già cần nắm vững “bí quyết” để có tâm lý vững vàng. Cụ thể, với trẻ em, khi phải nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình thường cho con làm bạn với iPad, điện thoại. Điều này có ảnh hưởng không tốt với con trẻ. Giảng viên, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, phụ huynh cần chú ý chăm sóc, dành thời gian chơi các trò chơi tư duy, suy luận như vẽ tranh, xếp hình với trẻ nhằm giúp chúng rèn tính tập trung.
Với người lớn, khi mỗi người đều bí bách vì dịch thì các hoạt động kết nối là rất quan trọng. Cần tổ chức cho cả nhà tập thể dục cùng nhau, cùng chăm sóc vườn tược; dành thời gian giải trí, gọi điện thoại hỏi thăm bạn bè, người thân. “Lúc này, các gia đình cần thực hành lối sống tiết kiệm để áp lực về tài chính không đổ dồn lên vai một thành viên nào đó”, giảng viên Vũ Thu Hương góp ý.
Với những người kinh doanh đang chồng chất nỗi lo, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Trước tiên, cần nhận thức được rằng đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của cả nhân loại, trong đại dịch ai cũng có thể là nạn nhân. Nhưng hãy nhìn thoáng hơn: Nếu mất đi tiền bạc mà bạn vẫn còn gia đình và sức khỏe thì vẫn còn cơ hội phục hồi khi dịch qua đi. Sự thất bại này không phải là lỗi của ai, mà đó là rủi ro không lường trước được. Do vậy, mỗi người hãy dành thời gian cho các mối quan hệ thân thiết, lên kế hoạch kinh doanh lại sau mùa dịch, tránh tâm lý bi quan, chán chường".
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tư vấn: Việc chú ý quá nhiều tới thông tin trên mạng xã hội sẽ khiến mỗi người thêm lo lắng. Người dân hãy giảm xem/đọc thông tin tiêu cực, đặc biệt là trước khi ngủ. Nếu mức độ stress vượt quá tầm kiểm soát, hãy cố gắng làm dịu lại bằng cách tập yoga, ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách.
Mỗi người hãy dành những ngày cuối tuần, những buổi tối sau khi kết thúc công việc để chăm lo thật tốt cho sức khỏe của bản thân và gia đình, nấu những món ăn đủ chất dinh dưỡng và tận hưởng những ngày quây quần bên nhau. Đó là một cách cùng nhau vượt qua mùa dịch.