Thương tiếc nhà lãnh đạo giản dị, trọn đời vì nước, vì dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 15/08/2020
Những lời tiễn biệt từ đáy lòng
Sáng sớm 14-8, trời đổ mưa ở Thủ đô Hà Nội. Dù vậy, bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia, nhiều người dân sinh sống, công tác ở Thủ đô cũng như các địa phương lân cận đã tập trung từ sớm, đội mưa chờ đến lượt vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Từ đáy lòng, những cựu chiến binh tóc bạc phơ, sức khỏe đã giảm nhưng vẫn tìm về Nhà tang lễ quốc gia để kịp tiễn biệt lần cuối vị tướng mà họ rất kính trọng.
Cựu chiến binh Cao Văn Đạt (ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã ở tuổi gần 90 nhưng vẫn không quản ngại đường sá xa xôi để có mặt bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia từ sớm. Trong niềm tiếc thương vô hạn một vị tướng dành trọn đời mình vì nước, vì dân, ông Đạt bồi hồi nói: “Tôi là bộ đội từng sát cánh chiến đấu cùng những thế hệ như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tôi đã dậy sớm, đi xe buýt đến đây để kịp viếng người chỉ huy, người đồng đội đáng kính”. Còn bà Đặng Thị Tịnh, số 6 A4 khu tập thể Đầm Trấu, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Chứng kiến các đoàn vào đặt hoa, dâng hương kính viếng nguyên Tổng Bí thư với tấm lòng thành kính, tôi không nén được niềm tiếc thương, xúc động”.
Lặn lội từ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cựu chiến binh Bùi Duy Hiền (65 tuổi) dậy từ rất sớm để kịp chuyến xe lên Thủ đô viếng vị tướng tài ba mà ông đã từng vinh dự được gặp mặt. “Tôi là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Thế hệ chúng tôi luôn khắc ghi lời thề son sắt trung với Đảng, hiếu với dân và sẽ sống noi theo tấm gương của người chỉ huy đáng kính”.
Hòa trong dòng người vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chị Phạm Thị Hoài (22 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) và chị Nông Thị Hồng Ngát (24 tuổi, quê ở tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, ngưỡng mộ tài năng, đạo đức của bác Lê Khả Phiêu, chúng tôi đến viếng để tỏ lòng biết ơn với bác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các điểm diễn ra Lễ viếng được chú trọng. Quanh khu vực Nhà tang lễ quốc gia, lực lượng chức năng túc trực, phát khẩu trang, hướng dẫn người dân sát khuẩn tay... Các lực lượng làm nhiệm vụ khác cũng có mặt từ sớm để bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông phục vụ Lễ viếng.
Anh Bùi Tuấn Đức (Quận đoàn Hoàng Mai) có mặt từ 6h sáng cho biết, đoàn viên thanh niên Thủ đô trực tại các điểm chốt xung quanh Nhà tang lễ quốc gia để phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người dân đến viếng. “Chúng tôi làm nhiệm vụ trong niềm xúc động và thành kính khi nhớ về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với bác, chúng tôi cảm thấy gần gũi như người thân trong gia đình", anh Đức nói.
Còn Trung úy Nguyễn Hoài An, Công an phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) xúc động bày tỏ: “Những chiến sĩ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời bình hôm nay luôn biết ơn sâu sắc công lao của những thế hệ tiền bối đi trước như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Chứng kiến từ sớm nhiều bác cựu chiến binh, người dân không quản đường xa, mưa gió đến viếng nguyên Tổng Bí thư, từ đáy lòng, tôi càng nhận thức rõ thế hệ hôm nay phải sống và cống hiến hết mình hơn nữa cho nhân dân, cho Tổ quốc”.
Noi gương người lãnh đạo giản dị, giàu tình cảm
Niềm tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng bao trùm khu tập thể Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) - nơi ở của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật đời người, nhưng biết tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất, quanh khu tập thể, ai cũng rưng rưng nước mắt thương tiếc, bởi đồng chí đã luôn sống hết mình vì đất nước, trọn nghĩa tình với Đảng, với dân.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2 (khu tập thể Lý Nam Đế, phường Cửa Đông), xúc động nói: "Nhiều lần đến chơi, chúc Tết gia đình nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi được gặp trực tiếp, trò chuyện và nghe những lời đóng góp ân cần của ông. Về nghỉ hưu tại khu phố, ông vẫn giữ nguyên phẩm chất người chiến sĩ, giản dị, gần gũi và giàu tình cảm với bà con. Thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm noi gương nguyên Tổng Bí thư và tiếp lửa truyền thống Bộ đội Cụ Hồ cho thế hệ mai sau".
Tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), từ sáng sớm, đông đảo các tầng lớp nhân đã đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Là người từng nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, luật sư Phạm Đình Thuấn (84 tuổi, hội viên Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Điều tôi ấn tượng nhất đối với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là đồng chí rất gần dân, luôn quan tâm đời sống nhân dân. Ở cương vị cao nhất của đất nước, đồng chí vẫn giản dị, chăm lo cho người dân, từ những người có hoàn cảnh nghèo khó nhất”.
Được hai chiến sĩ dìu vào Hội trường Thống Nhất viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thiếu tướng Cao Long Hỷ (88 tuổi), nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết, trong giai đoạn tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, ông đã một số lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. “Đồng chí Lê Khả Phiêu rất bình dân. Đối với tôi, đồng chí thật sự là một người anh gần gũi”, Thiếu tướng Cao Long Hỷ bộc bạch.
Còn Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: “Đoàn Công an tỉnh viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuất phát từ Sóc Trăng lúc 5h, đến Hội trường Thống Nhất lúc 8h30. Chúng tôi là lớp cán bộ được thừa hưởng những thành quả của hòa bình, do các lớp cha anh đi trước như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trải qua bao gian khổ, hy sinh mang lại. Chúng tôi luôn biết ơn điều này để nguyện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao".
Theo báo Thanh Hóa, tại quê hương đồng chí Lê Khả Phiêu mưa rả rích suốt từ đêm 13-8 đến sáng 14-8, gợi nỗi trầm buồn ngày Quốc tang. Từ sáng sớm 14-8, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã đến Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa để viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Sinh viên năm thứ hai phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa Vũ Ngọc Ánh (quê tỉnh Sơn La) nói: “Em biết ngoài việc chung của đất nước, bác Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến công tác giáo dục và đóng góp nhiều cho hoạt động khuyến học, khuyết tài. Em rất trân trọng những tình cảm bác Lê Khả Phiêu đã dành cho nhân dân, cho đất nước”. Còn bà Lê Thị Lương, khu phố 8, phường Quảng Hưng (thành phố Thanh Hóa) chia sẻ: “Dẫu biết quy luật của cuộc sống là sinh, lão, bệnh, tử, nhưng chúng tôi thực sự thương tiếc và mong cho bác bình yên an nghỉ”.
Ở quê nhà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - xã Đông Khê (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng bao trùm không khí tĩnh lặng buồn thương ngày Quốc tang. Trong lòng nặng trĩu, ông Nguyễn Quang Lân (thôn 2, xã Đông Khê) chia sẻ: “Quê hương Đông Khê sẽ nhớ mãi hình ảnh giản dị, đức độ, gần gũi của bác Lê Khả Phiêu. Bác Lê Khả Phiêu là niềm tự hào của quê hương, những lời căn dặn của bác khi về thăm quê đã trở thành kim chỉ nam, định hướng cho quê hương phát triển từng ngày”.
Sáng nay, 15-8, Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục được tổ chức tại 3 địa điểm: Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá; diễn ra đến 12h.
Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức vào 12h30' tại đồng thời 3 địa điểm trên. Lễ an táng lúc 14h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Báo điện tử Hànộimới sẽ liên tục cập nhật thông tin về Lễ Quốc tang đồng chí Lê Khả Phiêu.