Đẩy mạnh liên kết để trụ vững
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 16/08/2020
Thách thức cho nhà bán lẻ trong nước
Với dân số gần 100 triệu người, sức mua tăng trung bình hơn 10% mỗi năm, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là lĩnh vực đầy tiềm năng. Thực tế thời gian qua, dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã liên tục rót vào ngành bán lẻ. Hệ thống bán lẻ hiện đại phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương. Dẫn dắt thị trường phải kể đến một số nhà phân phối lớn trong nước như Saigon Co.op, VinCommerce, BRG… hay nước ngoài như Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản)…
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông, khi EVFTA được thực thi với những cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối…, chắc chắn các doanh nghiệp EU cũng không bỏ qua mảng kinh doanh này. Quá trình thâm nhập của những “người khổng lồ” nước ngoài góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước, song cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhất là khi phần lớn doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, liên kết, quản trị yếu.
Sự cạnh tranh dự kiến còn khốc liệt hơn, bởi sau một thời gian dài tìm hiểu, thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chủ động có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.
Liên kết tăng năng lực
Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, ông Trần Duy Đông cho rằng, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại thành các tập đoàn bán lẻ lớn, đủ năng lực để giành thị phần. Minh chứng cho nhận định này không thể không nhắc đến thương vụ sáp nhập lớn nhất năm 2019 giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan, khi Masan nắm quyền điều hành VinCommerce - hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng tiện ích VinMart, VinMart+ cùng 14 nông trại công nghệ cao VinEco. Chia sẻ lý do hợp tác cùng Masan, đại diện Vingroup cho hay, Vingroup chọn Masan hợp lực vì đây là doanh nghiệp nội. Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.
Cũng chia sẻ về quan điểm liên kết để phát triển, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh rất ít, vì vậy, việc các đơn vị bán lẻ “bắt tay nhau” sẽ góp phần cải thiện quy mô, thay đổi năng suất thương mại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ nhân lực, tập trung nguồn hàng, giảm bớt khâu trung gian... “Thay vì cạnh tranh, các đơn vị nên liên kết, bổ sung cho nhau để cùng lớn mạnh”, bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để phát triển được trên “sân nhà”, các doanh nghiệp có thể liên kết phát triển các hình thức bán lẻ mới, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng, sau bán hàng và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử.
Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, nhà bán lẻ trong nước có thế mạnh khi cùng nhà sản xuất trong nước hình thành chuỗi cung ứng - tiêu thụ hàng hóa hoặc đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của mình. Đơn vị bán lẻ trong nước cũng có thể nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chân rết ở các địa phương, kết nối thị trường Bắc - Nam, tạo kênh hàng hóa giữa các vùng miền phục vụ tối đa cho nhu cầu xuất khẩu cũng như thị trường trong nước. “Cơ quan quản lý luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bền vững”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin thêm.
Ngoài việc liên kết trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ cũng có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài để tận dụng công nghệ, phương thức quản lý tiên tiến và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực, toàn cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ cần hướng đến tăng cường trách nhiệm xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống.