Xúc động tiễn đưa nhà lãnh đạo xuất sắc về đất mẹ
Chính trị - Ngày đăng : 06:38, 16/08/2020
Trưa 15-8, bầu trời Thủ đô lặng gió. Dọc các tuyến đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Kim Mã, Hồ Tùng Mậu…, nhiều người dân đổ ra đường đứng chờ đoàn xe tang đi qua để mong được tiễn biệt lần cuối nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Xúc động trào dâng trong lòng, ông Đỗ Văn Chiến (71 tuổi, bảo vệ dân phố phường Quán Thánh) - từng là chiến sĩ Sư đoàn 367, tham gia chiến trường Trị Thiên Huế năm 1972 bày tỏ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là một nhà lãnh đạo, một vị tướng tài, có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là tấm gương sáng về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn đời vì Đảng, vì dân.
Hòa trong dòng người đưa tiễn tại phố Chu Văn An, ông Vũ Đình Vinh (53 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Vệ sinh Toàn Cầu) chia sẻ: “Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển, vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Thành quả đó có sự đóng góp của những cán bộ lãnh đạo, những đảng viên kiên trung như đồng chí Lê Khả Phiêu”.
Bàng hoàng khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, bà Nguyễn Mai Anh, Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) gác mọi công việc ra đứng chờ đoàn linh xa ở đường Điện Biên Phủ nói: “Tôi đứng đây để mong được đưa tiễn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi luôn trân trọng công lao của nguyên Tổng Bí thư dành cho nước, cho dân”.
Khi đoàn xe tang đi đến tuyến phố Kim Mã, Đào Tấn, Liễu Giai…, trời chuyển sang lắc rắc mưa, nhưng rất đông người dân vẫn tập trung để tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong số đó có cả những vị khách nước ngoài bày tỏ sự cảm phục với vị tướng tài, nhà lãnh đạo để lại nhiều dấu ấn với đất nước Việt Nam.
Đầu giờ chiều cùng ngày, phía bên ngoài Nghĩa trang Mai Dịch - nơi an nghỉ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhiều người dân đứng chờ dưới mưa, niềm tiếc thương hiện rõ trên từng khuôn mặt. Ông Nguyễn Trường Thịnh, 67 tuổi (số nhà 11, ngõ 20/14 đường Hồ Tùng Mậu), từng là chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Công binh cho biết: “Tuy chưa một lần được tiếp xúc với đồng chí Lê Khả Phiêu, nhưng từng trong quân ngũ, hiểu được những đóng góp to lớn của đồng chí đối với việc xây dựng và phát triển lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, sau này giữ cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi luôn dành cho đồng chí sự tôn kính và khâm phục. Những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đất nước”.
Còn các đoàn viên thanh niên: Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Trà My (Đoàn phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cùng bày tỏ sự xúc động và quyết tâm sẽ phấn đấu sống, học tập và làm việc tốt hơn để xứng đáng với những đóng góp to lớn mà các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dày công vun đắp.
Theo Báo Thanh Hóa, cùng thời điểm trên, tại quê hương của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, từ sáng sớm, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tề tựu về Trung tâm Hội nghị 25B (thành phố Thanh Hóa) để viếng nguyên Tổng Bí Lê Khả Phiêu.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, nhiều người tiễn biệt đã không kìm được nước mắt tại Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với người dân xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không chỉ là tấm gương sáng của sự giản dị, chân thành - người đã dành cả đời mình cống hiến cho sự thống nhất và phát triển của đất nước mà còn là niềm tự hào của mảnh đất quê hương địa linh, nhân kiệt.
Trước anh linh của đồng chí Lê Khả Phiêu, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ sự tiếc thương, niềm kính trọng, ghi nhớ những công lao, cống hiến của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; với quân đội và quê hương Thanh Hóa.
Tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), trong tiếng nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", với niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, đồng chí ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tiễn biệt nhà lãnh đạo, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, người anh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến tiễn biệt người đồng chí, đồng hương của mình, ông Đoàn Thanh Vũ (78 tuổi, ngụ tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) mang theo cả nỗi niềm nhớ thương đồng đội. Lau vội giọt nước mắt khi chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Đoàn Thanh Vũ nói: “Trong chiến tranh, ở rừng sâu tôi đã khóc khi nghe tin Bác Hồ mãi đi xa. Đó là nỗi mất mát to lớn của cả toàn dân tộc. Giờ tôi mất đi người đồng đội một thời gắn bó với nhau trong gian khổ ở chiến trường Campuchia khốc liệt, hỏi lòng sao chẳng buồn”.
Cúi đầu bên di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Đoàn Thanh Vũ bùi ngùi, xót xa: “Hình ảnh người đồng chí, đồng đội, đồng hương Lê Khả Phiêu mãi mãi nằm trong trái tim tôi”…