Khi dịch bệnh ''tấn công'' người trẻ

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:38, 17/08/2020

(HNM) - Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi. Thế nhưng, trên thế giới và tại Việt Nam đã ghi nhận những người trẻ mắc Covid-19 và tử vong vì bệnh này. Đa phần người trẻ tử vong do Covid-19 đều trên những bệnh nền có sẵn, như: Tim mạch, suy thận, đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp… Do đó, không chỉ người cao tuổi mà mọi người đều phải nâng cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Khám và tư vấn về bệnh tăng huyết áp cho người dân tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Phương Thu

Covid-19 làm bệnh nền tăng nặng

Theo Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến sáng 15-8, nước ta đã ghi nhận 22 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có 3 ca bệnh tuổi đời 33, 37 và 47 đều có sẵn bệnh nền.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, nhiều người vẫn nghĩ, chỉ người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền khi mắc Covid-19 mới diễn biến tăng nặng, nguy cơ tử vong; còn với người trẻ khi mắc bệnh này cũng chỉ như cảm cúm thông thường. Đây là một luận điểm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, tất cả những người nhiễm Covid-19 đều có nguy cơ diễn biến nặng.

Điển hình như một ca bệnh Covid-19 42 tuổi ở Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Khoảng 3 ngày sau khi nhập viện, các triệu chứng của bệnh nhân mỗi lúc một nặng dần. Ban đầu chỉ là đau người giống như cảm cúm, cổ họng ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể bệnh nhân luôn trong trạng thái mỏi mệt nặng nề, đau đầu kéo dài, sốt rất cao kèm khó thở…

"Khả năng tấn công của vi rút SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan phủ tạng, trong đó tổn thương phổi là cơ bản và diễn biến trầm trọng với cả người già, người trẻ. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19 xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cảnh báo.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, vi rút SARS-CoV-2 tấn công phổi, làm bệnh nền tiến triển nặng lên, kéo theo suy hô hấp, khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Do đó, không chỉ người tuổi cao, sức khỏe yếu, mà cả người trẻ mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng khó chống cự.

“Ở nước ta, số ca Covid-19 tử vong ở người trẻ đều có sẵn các bệnh nền, như: Suy tim, suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì… Covid-19 chỉ như “giọt nước tràn ly”, khiến các bệnh sẵn có tiến triển nặng hơn”, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung lưu ý.

Thay đổi lối sống, tích cực phòng bệnh

Đoàn công tác của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) kiểm tra tại Bệnh viện Thận Hà Nội - nơi điều trị những bệnh nhân có nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc Covid-19. Ảnh: Lê Hảo

Thực tế cho thấy, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi, thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp tim mạch - hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm và người mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa. Mới đây, bệnh viện đã tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp cho hơn 100 người. Trong số đó, người trẻ bị tăng huyết áp chiếm 30%-40%, thậm chí có 2 bệnh nhân mới 22 tuổi đã mắc bệnh.

Tương tự, tại Khoa Thận lọc máu của bệnh viện này đang quản lý hơn 160 bệnh nhân chạy thận và hơn 700 bệnh nhân sau ghép thận, trong đó có những người bệnh mới 30 tuổi. Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, trước đây trung bình một năm chỉ ghi nhận 5-10 trẻ mắc đái tháo đường týp 1, thì 4-5 năm trở lại đây đã ghi nhận tới 100 trẻ. Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng đã từng điều trị cho một bé trai 9 tuổi (ở Hà Nội) mắc đái tháo đường týp 2 do béo phì.

Những bệnh mạn tính không lây đang ngày càng trẻ hóa do lối sống công nghiệp, lười vận động, chế độ ăn uống thiếu khoa học… Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, những căn nguyên góp phần khiến bệnh tật trẻ hóa nói trên hoàn toàn có thể thay đổi. Do đó, ngay từ bây giờ mọi người hãy từ bỏ những thói quen gây hại, đặc biệt chú trọng việc vận động hằng ngày. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngày, mọi người nên tập trung dinh dưỡng vào bữa ăn sáng, bữa trưa ăn nhẹ và bữa tối ăn rất hạn chế. Trong chế độ ăn uống cần bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, cân bằng chất béo và chất xơ, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, hoa quả…

Trước thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang phải đối mặt với những diễn biến mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo, không chỉ người cao tuổi, mà những người trẻ, kể cả không có bệnh lý nền cũng cần hết sức cảnh giác, nâng cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như an toàn cho người xung quanh. Mọi người dân phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tăng cường sát khuẩn tay bằng nước sát khuẩn, không nên ra ngoài khi không có việc cần thiết, không tụ tập đông người. Khi đi, đến những nơi có ổ dịch, người dân phải tự giác khai báo y tế, tuân thủ việc cách ly y tế theo hướng dẫn, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Thu Trang