Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh: Chống dịch tốt, kinh doanh hiệu quả
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:10, 17/08/2020
Nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đều tăng kinh phí để phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử như Công ty cổ phần Sài Gòn Food đã duy trì việc phun xịt khử trùng toàn khu văn phòng 2 lần/tuần, tăng cường vệ sinh nhà máy. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food Lê Thanh Lâm cho biết: “Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để vừa phòng ngừa dịch bệnh cho người lao động, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh diễn ra thông suốt”.
Nhiều doanh nghiệp còn đầu tư máy đo thân nhiệt tự động để hạn chế tiếp xúc. Mới đây, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã sử dụng công nghệ đo thân nhiệt từ xa nhằm sàng lọc người nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại tòa nhà TMA Building và tòa nhà QTSC Building 1.
Những nỗ lực trên cũng giúp người lao động ý thức và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh của đơn vị. Chị Bạch Vân Sương làm việc tại Công ty TNHH Ubi Vina 1 trong Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, cho hay: "Công ty có quy định, quy trình cụ thể về phòng, chống dịch Covid-19 với những người không ở trong ký túc xá công nhân. Mỗi tối từ công ty về nhà, tôi phải báo cáo tình trạng sức khỏe, tình hình nơi ở... cho bộ phận y tế vào sáng hôm sau. Khi chung cư Thái An 2 (quận 12) có người nhiễm Covid-19, dù tôi sinh sống ở chung cư Thái An 3, không bị ảnh hưởng, nhưng vẫn xin vào ký túc xá ở tập trung để công ty kiểm soát sức khỏe".
Trao đổi về công tác phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Dũng thông tin: “Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức cho nhân viên đi học lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch để giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của doanh nghiệp chung tay cùng thành phố kiểm soát dịch bệnh”.
Nhiều giải pháp thực hiện "mục tiêu kép"
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử, thành phố có 20.000 doanh nghiệp xuất khẩu, hiện việc kết nối, giao thương trao đổi hợp đồng kinh tế của những đơn vị này với đối tác quốc tế gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền thành phố đang tiếp tục nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch tốt, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Để tháo gỡ vướng mắc, đã có trên 50 doanh nghiệp mở phòng trưng bày (showroom) triển lãm ảo trên nền tảng trực tuyến bằng việc số hóa hình ảnh 2D, 3D để chào hàng với đối tác nước ngoài, thông qua nền tảng HOPP do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Hương Nga Đinh Thị Hương Nga cho biết: “Khi áp dụng showroom 3D trực tuyến, doanh nghiệp đã có 2 đơn hàng xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì việc làm cho nhân viên đến hết năm”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Chu Tiến Dũng chia sẻ: “Hiệp hội cũng đã chủ động tận dụng hơn 3 tháng dịch Covid-19 tạm lắng vừa qua để kết nối, trợ giúp doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng và nguyên vật liệu bảo đảm sản xuất ổn định”.
Đáng chú ý, hiện nay UBND thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các sở, ngành triển khai các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, gồm tạo môi trường làm việc an toàn và trợ giúp về tài chính để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch. Cụ thể, từ cuối tháng 7-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kích hoạt trở lại bộ Tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp, vốn được ban hành từ tháng 4-2020, nhưng sau đó có nới lỏng việc thực hiện khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng. Doanh nghiệp sẽ căn cứ các quy định này để tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết 684 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp với số tiền hơn 4.500 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng để thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đã hỗ trợ cho 230.000 khách hàng, với tổng dư nợ đạt 384.610 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 để doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”.