Chống ''bệnh đối phó'', xây kỷ luật Đảng nghiêm minh
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:23, 17/08/2020
Tuy nhiên, trong thực tế, một số tổ chức Đảng đã có lúc không giữ được kỷ luật, nên không ngăn chặn được việc tự thoái hóa trong cán bộ, đảng viên.
Cán bộ A được giao phụ trách chủ trì một mảng công việc trong cơ quan. Nội dung công việc, cách thức triển khai, tiến độ phải hoàn thành… được cấp trên quy định rất rõ ràng và công khai. Có điều, công việc này liên quan tới nhiều đơn vị khác. Nhưng do cách làm việc không khoa học cộng với trình độ hạn chế, nên thay vì chủ động chủ trì họp bàn với các đơn vị liên quan rồi quyết đáp, thì vị cán bộ này lại tìm mọi cách giấu dốt, đổ lỗi cho cấp dưới. Nào là việc này tôi đã giao đồng chí B, nhưng đồng chí này bận việc khác chưa hoàn thành nên tôi cũng không hoàn thành được; nào là việc này giao đồng chí C, nhưng do trình độ hạn chế nên đồng chí này làm không đạt yêu cầu… Cứ thế, cùng với thời gian, công việc bị trì trệ, còn cán bộ A thì ngày càng sa vào tìm cách đối phó để làm sao mình không phải chịu trách nhiệm khi công việc chung bị đình trệ, kém hiệu quả.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã phân tích và chỉ ra rất rõ biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong thực thi chức trách, nhiệm vụ cũng như ý thức tổ chức kỷ luật. Đó là: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”.
“Bệnh đối phó” đang móc xích với nhiều căn bệnh khác mang sắc màu chủ nghĩa cá nhân!
Đối phó khi không hoàn thành công việc như cán bộ A, thiệt hại chỉ là công việc. Nhưng đối phó với pháp luật để mưu lợi cá nhân thì thiệt hại không chỉ dừng ở công việc. Tổng hợp kết quả thanh tra và kiểm toán hơn 4 năm qua cho thấy: Đã có hơn 8.700 tập thể, cùng nhiều cá nhân bị các cơ quan này kiến nghị xử lý trách nhiệm do liên quan tới các sai phạm khác nhau. Trong đó, căn cứ mức độ sai phạm, các cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý 451 vụ với 648 đối tượng… Cũng trong hơn 4 năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tiến hành khởi tố 8.838 vụ với 14.984 bị can về các tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ, gây thiệt hại kinh tế.
Chưa có con số thống kê cụ thể về mức độ liên quan giữa các trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật tương ứng với số tổ chức Đảng bị kỷ luật. Song trong thực tế từ các vụ việc sai phạm phải thi hành kỷ luật những năm gần đây cho thấy - mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là không hề ít. Khi những cán bộ đứng đầu địa phương, bộ, ngành bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật thì cũng là lúc một số ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng bộ, ngành… cũng đã bị kỷ luật tập thể theo. Và tương tự vậy ở các địa phương cho tới cấp cơ sở.
Chống “bệnh đối phó”, xây kỷ luật Đảng nghiêm minh là công việc cần phải làm để tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự hoàn thành vai trò lãnh đạo ở địa phương, đơn vị. Và không để bị mất cán bộ.
Kết hợp hài hòa các biện pháp “xây” và “chống”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhấn mạnh: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”.
Thực hiện chủ trương này, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan tới việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một tinh thần đổi mới mạnh mẽ là mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng khung năng lực vị trí việc làm đối với từng vị trí công tác. Trên cơ sở đó, lấy tiêu chí hàng đầu để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên là: Chương trình hành động, kế hoạch công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình…
Với thành phố Hà Nội, bên cạnh những tiêu chí chung này, còn có yêu cầu “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả) và “một việc, một đầu mối xuyên suốt”.
Trên cơ sở đánh giá cán bộ qua công việc như vậy, việc thi tuyển để chọn lựa cán bộ cũng từng bước được hoàn chỉnh cơ chế và thực hiện nhằm “từ việc chọn người” chính xác nhất.
Cùng với đó là xác lập cơ chế nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi để chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật…
Những cơ chế đang được hoàn chỉnh, giống như những màng lọc để “lọc” dần đi những tư tưởng, hành vi đối phó, né tránh… trong bộ máy tổ chức, thúc đẩy hình thành phẩm chất, trình độ thực cho mỗi cán bộ, đảng viên.
Cán bộ thực tâm, thực tài, thực việc - tổ chức Đảng ắt thực mạnh!