Ngoài khẩu trang, đừng quên biện pháp khác

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 18/08/2020

(HNM) - Hà Nội đã phát hiện bệnh nhân Covid-19 thứ phát và có ca nhiễm không rõ nguồn lây. Vì vậy, nếu không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người chủ quan, thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách đối phó, hoặc cho rằng chỉ đeo khẩu trang là đủ. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, đòi hỏi mỗi người dân cần tự giác thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; trong đó cần lưu ý, ngoài khẩu trang, đừng quên các biện pháp khác.

Hành khách sát khuẩn tay để phòng, chống dịch Covid-19 trước khi vào Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Vẫn còn lơ là, chủ quan

Khảo sát tại các địa điểm công cộng, chỗ đông người như bến xe, chợ dân sinh, vườn hoa, công viên... trên địa bàn thành phố Hà Nội, điều dễ nhận thấy là nhiều người đeo khẩu trang nhưng lại lơ là với các biện pháp phòng dịch khác.

Tại các chợ dân sinh như: Chợ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chợ tạm trong khu VOV Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa)..., lượng người đến chợ khá đông, hầu hết đã đeo khẩu trang nhưng không chú ý giữ khoảng cách an toàn 1m như khuyến cáo. Điều này xuất phát từ việc bố trí các quầy hàng chưa bảo đảm quy định giãn cách, nhất là người bán ở chợ tạm, chợ “cóc” tận dụng mọi mặt bằng để bày hàng hóa nên khó tránh khỏi việc người bán, người mua đứng gần nhau.

Là người thường xuyên đi chợ, bà Trần Thị Tâm (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nêu thực tế, nhiều người trang bị khẩu trang, găng tay để đi chợ, nhưng lại không mấy để ý đến việc phải giãn cách, thường xuyên túm năm tụm ba ở các quầy hàng.

Tại một khu vực thường xuyên tập trung đông người khác - các chung cư cao tầng, mặc dù đơn vị quản lý tòa nhà, ban quản trị đã thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 như khử trùng tòa nhà, trang bị nước sát khuẩn tại sảnh hoặc trong thang máy..., nhưng nhiều cư dân không mặn mà với việc sát khuẩn tay sau khi sử dụng thang máy.

Chị Bùi Kim Xuyến (chung cư HH2 Bắc Hà, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Nhiều chung cư thực hiện đầy đủ việc tuyên truyền phòng dịch qua các pano, áp phích dán ở bảng tin, trên màn hình LED, trang bị nước sát khuẩn ở thang máy nhưng lại thiếu giám sát, nhắc nhở, cộng với ý thức tự giác của một số người chưa tốt, nên hiệu quả phòng dịch chưa thật sự cao”.

Dưới góc độ tuyến y tế cơ sở, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) Bùi Thị Phương Lan thông tin: “Các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế được người dân trên địa bàn phường thực hiện nghiêm túc, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Nhưng hiện nay, nhiều người đã hiểu sai công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, cho rằng chỉ cần đeo khẩu trang là có thể đi lại nhiều nơi, tụ tập đông người, nhiều hàng quán trang bị nước sát khuẩn để đối phó với cơ quan chức năng chứ chưa thực sự chủ động cùng khách hàng phòng, chống dịch...”.

Người dân đã chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng cần giữ khoảng cách an toàn 1m. Ảnh: Đỗ Tâm

Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch

Thêm một người mắc bệnh đồng nghĩa với việc thêm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, để trở thành “lá chắn” phòng dịch cho bản thân và cộng đồng.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khuyến cáo: Tất cả chúng ta đều có thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nên mọi người phải lưu ý thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, khẩu trang giúp hạn chế việc hít thở trực tiếp các giọt bắn trong không khí có chứa vi rút và các tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang không phải là biện pháp phòng bệnh duy nhất và tuyệt đối. Cùng với việc đeo khẩu trang, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, bằng xà phòng diệt khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc với người khác. Khi bàn tay chưa được vệ sinh sạch sẽ nên tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bởi vi rút SARS-CoV-2 có thể bám trên các bề mặt như: Tay vịn cầu thang, nắm cửa, nút bấm thang máy, cốc chén… Và khi bàn tay chạm vào những bề mặt này nếu chưa được rửa sạch nhưng lại đưa lên mắt, mũi, miệng, sẽ dễ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, việc đeo khẩu trang với những người có triệu chứng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là trong thời gian đang có dịch Covid-19 là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong các biện pháp phòng ngừa để ngăn giọt bắn mang mầm bệnh phát tán ra môi trường, lây sang người lành. Các biện pháp khác, như: Rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi, không tập trung đông người... cũng cần được áp dụng song song, nhằm phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người bệnh, đi đến những khu vực có bệnh nhân, những nơi có ổ dịch, người dân phải tự giác khai báo y tế, tuân thủ việc cách ly y tế theo hướng dẫn nhằm hạn chế lây lan dịch. Mỗi cá nhân phải ý thức được rằng, phòng bệnh không chỉ cho bản thân mình, mà còn phải phòng bệnh cho người thân và cộng đồng.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Thùy Ngân - Thu Trang