Hai phụ nữ được ghép giác mạc từ người đàn ông chết não
Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 18/08/2020
Ngày 18-8, Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ thông tin về 2 ca ghép giác mạc từ người cho chết não.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), thông tin: "Ngày 12-8, chúng tôi nhận được thông báo, một người đàn ông 64 tuổi bị tai nạn lao động cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175, đã chết não, có di nguyện được hiến tặng cơ thể để cứu người. Người nhà đồng ý cho bác sĩ lấy tạng để cứu người".
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có những xét nghiệm kiểm tra nguồn tạng hiến từ người đàn ông chết não và xác định có 2 giác mạc sử dụng được.
Khi có nguồn giác mạc hiến tặng, Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành 2 ca phẫu thuật song song để ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân.
Người thứ nhất là bà N.T.N.O, sinh năm 1953, từng điều trị sẹo giác mạc tại Bệnh viện Chợ Rẫy cách đây 20 năm. Trước đó, bệnh nhân từng được ghép giác mạc. Gần đây, người bệnh bị đào thải miếng ghép, thoái hóa giác mạc, phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Người thứ hai là bà T.K.L, sinh năm 1968, bị viêm loét giác mạc 2 năm trước, được thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với một bên mắt gần như mất hẳn thị lực.
Qua 4 ngày phẫu thuật, thị lực của 2 bệnh nhân đạt 1/10, dự tính sau phẫu thuật 4-5 tháng, thị lực có thể phục hồi 50%.
Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Sáu năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 18 ca ghép giác mạc. Nguồn giác mạc được lấy từ người cho chết não. Các bệnh nhân thường phục hồi tối đa được 50% thị lực, vì các tổn thương bên trong mắt trước đây đã thành sẹo. Ca ghép có tỷ lệ phục hồi cao nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy là phục hồi 7/10 thị lực".
Cũng theo bác sĩ Hồng, tại Mỹ, tỷ lệ sẹo giác mạc đứng thứ ba nguyên nhân gây mù mắt. Ở nước ta, cách đây 10 năm, Viện Mắt trung ương thống kê, có 300.000 người dân Việt Nam bị sẹo giác mạc. Vì vậy, việc hiến giác mạc rất có ý nghĩa, có thể giúp người bệnh hồi sinh thị lực.