“Trụ đỡ” của kinh tế Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 07:51, 19/08/2020
- Tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp Thủ đô phải là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Ông có thể cho biết về những điểm đáng chú ý của ngành trong việc thực hiện chỉ đạo này?
- Nông nghiệp không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô mà còn đảm nhận vai trò bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay. Mặt khác, Hà Nội có tới 60% dân số sống ở nông thôn. Do vậy, nông nghiệp phải thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Đến thời điểm này, nông nghiệp Hà Nội đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, bảo đảm cung ứng nông sản cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô (nhiều mặt hàng đáp ứng được 60%-100% nhu cầu) và đã có một số sản phẩm xuất khẩu, hướng tới hội nhập quốc tế... Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, đỏi hỏi nông nghiệp Hà Nội phải có bước chuyển, đáp ứng yêu cầu mới để thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
- Mặc dù chịu tác động rất lớn từ thiên tai, dịch bệnh nhưng có thể nói, nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận, ông có thể cho biết khái quát về vấn đề này?
- Tiếp tục tập trung các giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vụ xuân vừa qua, nông nghiệp Thủ đô đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận với lúa xuân đạt năng suất 60-61 tạ/ha (năm 2019 là 58,7 tạ/ha). Hà Nội đã duy trì được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng 40.000ha canh tác. Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành vùng sản xuất lúa Japonica với 2.758ha cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống lúa thuần khoảng 14-15 triệu đồng/ha/vụ.
Vụ xuân vừa qua, rau các loại đạt năng suất 230,23 tạ/ha, bằng 102,37% so với năm trước. Hiện tại, Hà Nội có 5.044ha rau đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đã hình thành được 40 mô hình chuỗi an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất rau tập trung, bảo đảm 65% nguồn cung rau xanh cho thành phố.
Đến thời điểm này, thành phố có 21.800ha trồng cây ăn quả, trong đó vùng cây ăn quả tập trung là 4.300ha với nhiều loại quả đặc sản đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu và nhiều mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ có giá trị kinh tế cao.
Tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của Hà Nội đã lên tới con số 1,3 triệu con. Đàn trâu, bò, gia cầm đều tăng và thủy sản cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực với nhiều mô hình thâm canh, năng suất chất lượng cao.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện tại, việc nhóm nông sản chính của Hà Nội được duy trì ổn định và tăng trưởng là một thành công.
- Theo ông, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Thủ đô còn tồn tại những vấn đề gì cần giải quyết, tháo gỡ?
- Nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế như: Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều.
Mặt khác, là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng Hà Nội chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung theo hướng công nghiệp; tốc độ phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách vẫn chưa tạo được đột phá, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
- Vậy, từ nay đến cuối năm và về lâu dài, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tập trung triển khai những giải pháp gì để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, thưa ông?
- Trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung chăm sóc vụ mùa để đạt được hiệu quả cao nhất và chủ động triển khai bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ đông. Song song với các giải pháp chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, tưới tiêu... là phát triển các chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản.
Về dài hạn, triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để nông nghiệp thật sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, nông nghiệp Thủ đô sẽ được tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Công nghệ cao sẽ là nền tảng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
- Trân trọng cảm ơn ông!