Các địa phương phải nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:22, 19/08/2020
Không cách ly tập trung F1 sẽ rất khó kiểm soát
Tính đến 18h ngày 19-8, Việt Nam có tổng cộng 993 ca mắc Covid-19, trong đó có 653 ca lây nhiễm trong nước. Riêng số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 513 ca.
Đánh giá diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại nước ta hiện nay, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca mắc tại cộng đồng. Do đó, các địa phương phải nâng mức cảnh giác cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, tránh để dịch lây lan.
Riêng về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào nhà hàng Thế giới bò tươi (ở số 36 phố Ngô Quyền) - nơi có ca bệnh 867 trong khoảng thời gian từ ngày 25 đến 27-7. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 12 trường hợp mắc Covid-19 tại ổ dịch này. Trong những ngày tới có thể có thêm ca nhiễm mới.
"Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải làm gì khi dịch xảy ra. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý, đấy là lý do tại sao Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương đến hỗ trợ các địa phương. Các địa phương phải chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài nếu như không có vắc xin, cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương phải lên kịch bản huy động các địa điểm cách ly tập trung trong tình huống cấp bách. Phải truy vết, cách ly thật nhanh các ca F1, đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ra khỏi gia đình đó, ra khỏi khu dân cư thì mới khống chế, kiểm soát được. "Nếu lơ là, không cách ly tập trung F1, hay truy vết nhanh F1 thì rất khó kiểm soát", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương cho biết, các chuyên gia nhận định ổ dịch ở tỉnh phức tạp do chưa truy tìm được F0. Thêm vào đó, số lượng khách đến nhà hàng Thế giới bò tươi quá nhiều (khoảng 1.000 người). Cùng đó, thời gian phát hiện ra ca bệnh đã khoảng 2 tuần, lượng tiếp xúc tại cộng đồng rất lớn. Tỉnh Hải Dương đề xuất Bộ Y tế tăng cường chuyên gia giúp tỉnh trong phòng, chống dịch. Về vấn đề này, theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngay trong ngày mai (20-8), Bộ Y tế sẽ tăng cường chuyên gia đầu ngành về truy vết, giám sát dịch tại Hải Dương.
Thành lập tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng
Phát biểu kết luận buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: "Chúng ta có nhiều bài học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của cộng đồng. Bài học tiếp theo của đợt chống dịch lần này là chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc. Nếu chúng ta chần chừ sẽ rất nguy hiểm".
Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, vấn đề thành lập tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng cũng rất quan trọng. Hiện các tỉnh, thành phố, như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam... đã làm rất tốt việc này. Các địa phương phải đào tạo, tập huấn các tổ này để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương, các cơ sở y tế trên toàn quốc rà soát lại các kịch bản ứng phó về Covid-19 trên địa bàn, hoặc trong cơ sở y tế, để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất (bị phong tỏa, nhiều bệnh nhân hay cán bộ y tế mắc bệnh). Tại các địa phương, các bệnh viện cũng cần thực hiện tổ chức kiểm tra giám sát, diễn tập thường xuyên để nâng cao cảnh giác, mức độ ứng phó, đáp ứng nhanh trong phòng, chống dịch.
Tất cả các địa phương phải luôn nghĩ có thể sẽ xảy ra dịch, do đó, phải rà soát lại cơ sở vật chất, nhân lực hay cơ sở cấp cứu, chuẩn bị đào tạo tập huấn, truy vết, lấy mẫu, cách ly, chăm sóc điều trị... Các kịch bản ở địa phương theo từng cấp độ về cách ly, điều trị, huy động lực lượng cán bộ, bệnh viện dã chiến... cũng phải được rà soát lại. "Chỉ cần chúng ta chậm trễ vài ngày là dịch thêm một chu kỳ lây nhiễm", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Riêng về vấn đề vắc xin Covid-19, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế đã liên hệ, trao đổi, đặt hàng với một số đơn vị có vắc xin trên quan điểm là tìm mọi phương pháp tiếp cận, dưới mọi góc độ để sớm nhất có được vắc xin cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vắc xin sẽ không thể có sớm được. "Ước tính, nếu có thì sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2021 chúng ta mới có thể tiếp cận được với vắc xin Covid-19. Từ giờ đến thời điểm đó, chúng ta phải luôn thường trực chiến đấu", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.