Bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel: Bước tiến lịch sử tại Trung Đông
Thế giới - Ngày đăng : 07:42, 19/08/2020
UAE cùng với phần lớn các nước Arab khác, không công nhận Israel và không có mối quan hệ ngoại giao chính thức với nước này. Do đó, với thỏa thuận vừa được ký kết, UAE trở thành quốc gia Arab ở Vùng Vịnh duy nhất bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái. UAE cũng là quốc gia Arab thứ 3 bình thường hóa quan hệ với Israel (sau Ai Cập năm 1979 và Jordan vào năm 1994). Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE là thành quả của hơn 20 năm quan hệ bí mật giữa hai quốc gia Trung Đông sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 (năm 2001) tại Mỹ. Sau khi Dubai bị nhóm khủng bố Saudi Arabia tận dụng làm nơi trung chuyển tiền cho các chiến dịch, UAE đã nhanh chóng hợp tác với Israel nhằm xây dựng hệ thống phần mềm bảo mật, giúp Abu Dhabi tái khẳng định danh tiếng trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến ba bên giữa Tổng thống D.Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed, Israel và UAE nhất trí tiến tới thiết lập đại sứ quán, đồng thời triển khai đường bay thẳng giữa hai bên. Quan trọng hơn, Israel đã đồng ý đình chỉ kế hoạch sáp nhập các khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, ủng hộ sự phản đối đối với Iran, quốc gia mà UAE, Israel và Mỹ coi là mối đe dọa chính ở khu vực Trung Đông. Lãnh đạo Mỹ, Israel và UAE đánh giá thỏa thuận mới là bước đột phá lịch sử, một chiến thắng ngoại giao và là một bước tiến quan trọng để xây dựng một Trung Đông hòa bình, an ninh và thịnh vượng hơn.
Cụ thể, thỏa thuận sẽ tạo tiền đề để hai bên ký kết các thỏa thuận song phương về kinh tế, du lịch, hàng không, an ninh... Việc mở cửa giao thương giữa hai trong số các quốc gia năng động nhất Trung Đông sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực, thúc đẩy đổi mới công nghệ và củng cố mối quan hệ gần gũi hơn giữa các dân tộc trong khu vực. Đặc biệt là góp phần củng cố đáng kể vị thế của UAE trong khu vực. Thỏa thuận cho thấy bước tiến lớn trong quan hệ Arab - Israel, góp phần làm dịu căng thẳng và tạo ra năng lượng mới cho sự thay đổi tích cực, cũng như mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab khác.
Các nhà phân tích nhận định, cả Mỹ và Israel đều có mục đích chính trị trước thỏa thuận lịch sử này. Với Thủ tướng B.Netanyahu, đây là cách ông hướng sự chú ý khỏi những lùm xùm xung quanh cáo buộc của tòa án và mong muốn để lại di sản đáng nhớ trong nhiệm kỳ của mình. Còn Tổng thống D.Trump đang cố gắng hiện thực hóa tầm nhìn về khu vực Trung Đông mà ông đã từng ấp ủ. Thỏa thuận này được công bố đúng vào thời điểm không thể tốt hơn cho đương kim Tổng thống Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần.
Sau khi thỏa thuận lịch sử được ký kết, nhiều quốc gia, trong đó có một số nước Arab (như Jordan, Egypt, Bahrain, Oman), Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Liên hợp quốc hoan nghênh, ủng hộ động thái trên. Tất cả các quốc gia đều cho rằng đây là động thái tích cực trong xây dựng hòa bình tại Trung Đông. Tuy nhiên, Palestine, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối thỏa thuận. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Người phát ngôn của Hamas cho rằng đây là "sự phản bội" đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine.
Dẫu còn nhiều hoài nghi về bước tiến tích cực đối với Palestine và hòa bình Trung Đông, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là cả ba nước Mỹ, Israel và UAE đều gặt hái những lợi ích nhất định sau thỏa thuận này.