Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn: Nhạc đương đại cho chúng tôi nhiều cơ hội chọn
Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 20/08/2020
- Trước khi đến với nhạc đương đại, khán giả đã biết anh là một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển. Nhạc cổ điển hay nhạc đương đại cho anh nhiều cơ hội hơn?
- Tôi không nghĩ mình đang tìm kiếm cơ hội mà đang nhập vào một cuộc chơi lớn. Tôi thích thì tôi làm! Cơ hội sẽ đến sau khi tôi đã làm tới cùng những gì mình muốn. Tôi chơi nhạc cổ điển, tôi chơi nhạc đương đại. Với cổ điển, nhóm Ngũ tấu Sông Hồng của chúng tôi đã chơi một số lượng lớn tác phẩm. Khi chơi nhạc cổ điển, chúng tôi luôn có một lượng khán giả cố định. Và mình ở trong vòng an toàn. Còn với nhạc đương đại, chúng tôi không thể biết “tối nay có bao nhiêu khán giả”. Nhưng sau 5 năm hoạt động, tôi tin chắc rằng nhạc đương đại đem lại rất nhiều cơ hội cho các nhạc sĩ!
- Nhiều nhà phê bình nhận định, hoạt động của Hanoi New Music Ensemble đã làm sống lại những tác phẩm “đang nằm trên giá sách” của các nhạc sĩ sáng tác nhạc đương đại. Anh có thể chia sẻ về điều này?
- Như độc giả đều biết, ở nước ta không có nhiều ban, nhóm chơi nhạc đương đại thính phòng chuyên nghiệp. Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã chọn tác phẩm tiêu biểu của những tác giả đương đại nổi bật như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, Vũ Nhật Tân, Đặng Hồng Anh, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân... để mang đến cho công chúng bởi âm nhạc của họ mang tinh thần Việt sâu sắc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chọn biểu diễn tác phẩm của các tài năng trẻ. Chẳng hạn như Minh Nhật, em mới ngoài 20 tuổi thôi nhưng cực kỳ tài năng, tinh tế. Ngoài ra, còn rất nhiều tài năng trẻ khác và chúng tôi muốn tác phẩm của họ được vang lên.
- Từng làm giám khảo tại nhiều cuộc thi âm nhạc ở nước ngoài, anh nhận thấy sự phát triển của âm nhạc đương đại Việt Nam như thế nào?
- Tôi chưa có điều kiện trải nghiệm nhiều vì thế giới rất rộng lớn, âm nhạc thay đổi từng ngày. Nhưng so với các nước trong khu vực thì rõ ràng chúng ta đã có một nền âm nhạc đương đại mang bản sắc riêng. Ngay cả với những nước phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore..., âm nhạc đương đại của họ đi theo mô hình của phương Tây nhiều hơn chứ không đậm bản sắc dân tộc như nhạc đương đại Việt Nam.
Nói về bản sắc, tôi xin kể một câu chuyện. Nhóm nhạc đương đại Hà Nội được như ngày hôm nay là nhờ sự cố vấn nhiệt tình của người bạn, người thầy của chúng tôi - nhạc trưởng Jeff Von Der Smith và vợ của ông. Nhạc trưởng Jeff Von Der Smith từng 9 lần được đề cử giải Grammy và 2 lần đoạt giải, vợ ông cũng là nghệ sĩ tài năng. Họ sang Việt Nam bằng tiền túi và giúp chúng tôi rất nhiệt tình. Trong suốt 5 năm, nhạc trưởng Jeff Von Der Smith chưa bao giờ đưa một tác phẩm của Mỹ nào để chúng tôi chơi mà chỉ khuyến khích chúng tôi biểu diễn nhạc Việt Nam.
- Qua chia sẻ của anh thì Việt Nam cũng là một điểm sáng về nhạc đương đại. Mặc dù vậy, anh cũng tự nhận nhóm nhạc đương đại của mình “khá mơ mộng”, dám thử nghiệm... Đến nay, sự thử nghiệm ấy đã có kết quả chưa?
- Nhạc cổ điển có những khán giả trung thành, khá an toàn, như thế có nghĩa khả năng mở rộng khó hơn. Còn nhạc đương đại, như tôi đã chia sẻ, lại có những đối tượng khán giả mà mình chưa đoán biết hết. Chúng tôi rất mừng vì nhận được nhiều phản hồi từ khán giả mới và bao giờ họ cũng hỏi lần tiếp theo biểu diễn là khi nào... Đó chính là cơ hội của nhạc đương đại.
- Với những tác phẩm âm nhạc đương đại khó, có bao giờ anh và các đồng nghiệp của mình phải dừng lại hay trì hoãn?
- Có những thời điểm chúng tôi gần như đến ngưỡng, không biết mình có làm được không. Chẳng hạn như khi chơi tác phẩm Cơn sốt ảo ảnh của nhạc sĩ người Đức Jorg Widmann, lúc đọc tổng phổ chúng tôi đều nghĩ là sẽ chơi được, nhưng 5 ngày trước khi diễn chính thức rồi mà tập mãi không được. Thậm chí đã có xung đột, có những thời điểm chúng tôi bảo nhau “có lẽ phải hủy”... Nhưng rồi lại cố gắng. May mắn là cho đến bây giờ chưa có tác phẩm nào mà chúng tôi phải bỏ. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm, đủ để hiểu rằng nên lượng sức mình và có sự chuẩn bị tốt hơn.
- Trân trọng cảm ơn anh!