Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 20/08/2020

(HNM) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 1-8-2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng các địa phương trong vùng đã quyết liệt chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời tích cực chỉ đạo các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn bước đầu có hiệu quả, tăng trưởng kinh tế của một số địa phương trong vùng đạt cao hơn bình quân chung của cả nước... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,2%, một số địa phương tăng trưởng âm. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, có ý chí, quyết tâm, phát huy tiềm năng, lợi thế, bứt phá vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo của địa phương mình. Đồng thời, nỗ lực, quyết liệt thúc đẩy triển khai mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thấp hơn mức trung bình cả nước; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chủ động tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương mình, chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, bằng mọi biện pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, coi đây là quyết tâm chính trị của các địa phương đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần lưu ý phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng, của từng địa phương; quan tâm các vấn đề liên quan đến liên kết nội vùng và liên kết với thành phố Hồ Chí Minh.

Thư Ký