Mực nước sông Hồng tăng nhưng không ảnh hưởng lớn đến hệ thống chống lũ
Công nghệ - Ngày đăng : 19:14, 21/08/2020
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, đêm qua (20-8) và sáng sớm nay (21-8), thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 10-20mm, có nơi lớn hơn, như: Láng 26mm, Hà Đông 51mm, Hoài Đức 50mm… Do vậy, mực nước trên các sông nội địa Hà Nội (Tích, Nhuệ, Bùi…) tăng, nhưng đều dưới báo động lũ cấp I, cấp II. Đến trưa và chiều nay, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố không mưa, mực nước các sông có xu hướng giảm. Trong ngày, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành trạm bơm tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, những ngày vừa qua, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ đã xảy ra đợt mưa to trên diện rộng, kéo dài. Mưa lũ, sạt lở đất đã làm 8 người chết và 1 người mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hoặc phải di dời để bảo đảm an toàn...
Liên quan đến việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc), Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai khẳng định không ảnh hưởng lớn đến hệ thống chống lũ tại Việt Nam. Cụ thể hơn, mực nước sông Hồng tại tỉnh Lào Cai trong ngày 21-8 có tăng nhưng vẫn ở mức báo động cấp I; còn tại tỉnh Yên Bái lên gần báo động cấp II. Riêng tại thành phố Hà Nội, mực nước sông Hồng lúc 13h hôm nay đạt 5,72m, thấp hơn mức báo động cấp I.
Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ đêm 21 đến 23-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa to. Thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Do vậy, nhiều khả năng mực nước sông Hồng và các sông nội địa (Tích, Bùi, Nhuệ…) của Hà Nội sẽ tăng trở lại, nhưng không quá lớn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, dù lượng mưa không lớn nhưng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ không thể chủ quan với khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bởi những ngày trước đó, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa to, kéo dài nhiều ngày, đất đã ngậm đủ nước, cùng với địa hình đồi núi dốc nên vẫn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là ở khu vực vùng núi. Ngoài ra, mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam, trực tiếp là sông Thao, sông Đà…
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra, bảo đảm chống lũ; tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Cùng với đó, tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê; tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là…