Bí quyết tránh đau mỏi khi giao mùa
Xã hội - Ngày đăng : 09:03, 21/08/2020
Kẻ thù của xương khớp
Thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa thay đổi thất thường, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người, nhất là nhóm mắc bệnh xương khớp.
Là bệnh nhân xương khớp nhiều năm, bà Nguyễn Thị Đoan (phố Chùa Láng, Hà Nội) than thở, cứ “trái gió trở trời”, nhất là lúc nhiệt độ thay đổi một cách đột ngột là khớp gối, cổ tay và ngón tay của bà bị sưng đỏ, tê cứng và đau nhói. Nhiều người khác cũng lo lắng khi các khớp tay, chân nhức nhối, có cảm giác như kiến bò và phát ra tiếng lục cục mỗi khi trở trời.
GS.TS Nguyễn Mai Hồng, Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, lý giải: Sự thay đổi của thời tiết kéo theo sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể. Đặc biệt, khi giao mùa từ nóng sang lạnh, các mạch máu bị co lại, sự lưu thông máu bên trong các tế bào cơ bắp giảm khiến tế bào cơ co lại, giảm độ đàn hồi và gây cứng cơ, đôi khi dẫn đến đau cơ. Nhiệt độ xuống thấp về đêm làm cho các gân cơ bị co rút, dễ gây ra chứng vẹo cổ cấp. Nếu người cao tuổi thức dậy đi vệ sinh ở thời điểm này, việc vận động khớp khó khăn hơn dễ khiến bệnh nhân bị ngã, trường hợp nặng có thể dẫn đến gãy xương. Chưa kể trong tiết trời lạnh, một số bệnh nhân bị gout thường hay tái phát các đợt viêm khớp cấp do axit uric trong máu bị kết tủa, lắng đọng vào khớp và gây viêm.
Không chỉ bệnh nhân xương khớp mệt mỏi mà khi giao mùa, cơ thể con người nói chung rất dễ gặp các vấn đề về hô hấp do không kịp thích ứng với sự thay đổi, sức đề kháng bị giảm sút, dễ bị vi khuẩn, vi rút tấn công hơn.
Khi thời tiết chuyển từ hè sang thu cũng là thời điểm thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ xuất hiện. Bác sĩ Hoàng Cương (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt trung ương) lưu ý, đây là bệnh dễ lây lan nên các gia đình cần đặc biệt cẩn trọng. “Đã có trường hợp cả gia đình đều bị đau mắt đỏ do lây giữa các thành viên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt”, bác sĩ Cương cho biết.
Không lạm dụng thuốc giảm đau
Để ứng phó với các cơn đau xương khớp khi giao mùa, bác sĩ Vũ Văn Đại (Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng cách xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối... để các mạch máu giãn ra, khí huyết dễ dàng lưu thông đến nuôi các khớp. Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) để tránh tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cần tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa.
Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng thuốc giảm đau chứa corticoid, bởi việc dùng thuốc giảm đau chỉ là giải pháp tạm thời trong cơn đau cấp. Việc lạm dụng thuốc giảm đau chứa corticoid có thể gây tác dụng phụ lên dạ dày, tim mạch, thận...
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đưa lời khuyên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất và cân bằng đối với bệnh nhân xương khớp nói riêng và người dân nói chung khi thời tiết giao mùa. Mọi người nên tránh xa một số loại thực phẩm có thể sinh ra các chất làm tăng gánh nặng cho khớp, như: Các chất kích thích, thịt đỏ, đồ ăn đông lạnh, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn...
Với nguy cơ xuất hiện bệnh lý hô hấp khi chuyển mùa, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, khuyến cáo: Không nên ở ngoài trời vào buổi trưa, luôn mang theo áo mưa, đeo khẩu trang khi đi đường, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, luôn tắm bằng nước ấm.
“Trong sinh hoạt hằng ngày, mọi người cần chú ý giữ ấm, đặc biệt là khi ra ngoài lúc sáng sớm và đêm khuya, bảo đảm vệ sinh hằng ngày; tránh để trẻ em, người già tiếp xúc với người đang mắc bệnh dễ lây nhiễm cũng như hạn chế tới nơi đông người. Bảo đảm chế độ ăn đủ dinh dưỡng cho gia đình, ăn nhiều hoa quả, không dùng đá lạnh. Người bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị”, bác sĩ Trần Minh Điển khuyến cáo.