Nỗ lực ngăn chặn nạn ''chảy máu'' cổ vật
Thế giới - Ngày đăng : 08:40, 21/08/2020
Theo các nhà sử học, nạn săn đồ cổ có từ lâu đời. Những kẻ buôn lậu trong lĩnh vực này có thể kiếm hàng chục nghìn đô la sau mỗi thương vụ. Đây chính là động cơ cho những “thợ săn” kho báu. Chúng không chỉ trà trộn vào những đoàn khảo cổ để tiếp cận mục tiêu, mà còn lên kế hoạch đánh cắp những món đồ có giá trị, đặc biệt là tại các bảo tàng.
Cuối tháng 3-2020, bức tranh Lentetuin hay Spring Garden (Vườn xuân) của danh họa Vincent van Gogh tại Bảo tàng Singer Laren ở Hà Lan đã bị trộm cuỗm mất trong khoảng thời gian bảo tàng này đóng cửa vì dịch Covid-19. Bức tranh được định giá 6 triệu euro, do họa sĩ tài ba vẽ năm 1884, nằm trong bộ tranh ông sáng tác khi còn ở nhà cha mình.
Trước đó, cuối năm 2019, Bảo tàng Green Vault tại Cung điện Hoàng gia ở thành phố Dresden (Đức), nơi trưng bày khoảng 4.000 cổ vật quý có từ thế kỷ XVII - XVIII đã bị trộm “ghé thăm”. Trị giá số hiện vật bị mất ước tính khoảng 1 tỷ euro.
Cảnh sát Đức cho biết, mặc dù cung điện được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng bọn trộm đã đột nhập bằng cách tấn công một trạm phát điện, vô hiệu hóa hệ thống báo động của bảo tàng khiến cả khu vực chìm trong bóng tối. Số hiện vật bị đánh cắp bao gồm 3 bộ kim cương vô giá của hoàng cung, một dây chuyền dài 63,8cm được đính ngọc lục bảo và một viên sapphire nặng 547,71 carat. Viên sapphire này được Sa hoàng Peter I của Nga trao tặng vua Ba Lan August II năm 1698. Nhà sử học Vivienne Becker cho biết, bộ sưu tập tại bảo tàng này chứa những trang sức độc nhất vô nhị từ thời kỳ các nghệ nhân châu Âu bắt đầu sử dụng kim cương để chế tác nghệ thuật cao cấp.
Để ngăn chặn tình trạng đánh cắp cổ vật, ngoài việc siết chặt an ninh tại các bảo tàng, khu khảo cổ, nhiều chuyên gia nhận định, cần phải “xóa sổ” các chợ đen chuyên giao dịch mặt hàng này. Chính những kẻ sưu tầm đồ cổ đã khiến các vụ buôn lậu xuyên biên giới diễn ra như hiện nay. Điều này đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật, các bảo tàng và tổ chức bảo tồn di sản phải thiết lập các trang web cung cấp thông tin về những cổ vật bị đánh cắp nhằm hạn chế nguy cơ vướng vòng lao lý cho các nhà sưu tầm. Mới đây, chính phủ Pháp đã siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu các tác phẩm từ hoạt động khảo cổ học. Nhiều hoạt động hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các nước châu Âu cũng được thiết lập nhằm tạo ra một khung pháp lý cứng rắn chống lại nạn buôn lậu cổ vật.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của internet, một phần quan trọng trong nỗ lực chống buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật là kiểm soát thị trường trực tuyến. Một trong những quốc gia đi đầu trong việc này là Italia. Những năm gần đây, Cục Bảo vệ di sản văn hóa Italia đã tổ chức nhiều hoạt động “tuần tra internet”. Cơ quan bảo tồn văn hóa Italia phối hợp với các nhà khảo cổ học, nhà cổ sinh vật học, nhà nghiên cứu nghệ thuật và lực lượng chức năng đã thu hồi 8.670 cổ vật.
Ông Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận được bằng chứng cho thấy, thị trường trực tuyến bất hợp pháp là một trong những phương tiện chính của loại tội phạm này. Tuy nhiên, các giao dịch trực tuyến luôn để lại dấu vết, nhờ đó, lực lượng hải quan, cảnh sát và các tổ chức khác đã thiết lập cơ chế hợp tác hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật bất hợp pháp xuyên quốc gia”.
Ngoài ra, các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của di sản văn hóa, tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn cổ vật cũng sẽ giúp giảm bớt nạn buôn bán bất hợp pháp mặt hàng này.
Theo Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) Jürgen Stock, số lượng các vụ thu giữ cổ vật và bắt giữ đối tượng tội phạm gần đây cho thấy mức độ đáng lo ngại của hoạt động buôn bán bất hợp pháp cổ vật trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia có hệ di sản văn hóa phong phú. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động rửa tiền, lừa đảo cũng như các mạng lưới tội phạm có tổ chức. Do đó, biện pháp kiểm soát lâu dài, hiệu quả nhất với nạn buôn lậu cổ vật là các quốc gia cần tích cực tham gia các thỏa thuận song phương và quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, thống nhất các phương thức xử lý triệt để.