“Khởi động” từ đôi cánh tưởng tượng
Văn hóa - Ngày đăng : 19:52, 21/08/2020
Làm trẻ lại phong trào văn học trẻ
Ra mắt ngày 16-7-2019, Câu lạc bộ (CLB) Văn học trẻ Hà Nội đến nay mới hơn một năm tuổi. Song thực tế, có một CLB Văn học trẻ Hà Nội trực thuộc Hội Văn học Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) đã ra đời từ năm 1991. Khi đó, CLB đã thu hút nhiều cây bút tham gia, tạo nên không khí sáng tác sôi nổi. Cũng từ cái nôi văn chương ấy, nhiều tác giả đã trưởng thành, đến nay vẫn gắn bó với nghề viết như Phong Điệp, Đoàn Mạnh Phương, Hoàng Lan Anh, Lê Hoài Nam... Với mong muốn tiếp tục tạo sân chơi để thúc đẩy sức sáng tạo của các cây viết trẻ, CLB Văn học trẻ Hà Nội đã được khởi động trở lại.
Theo Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội - nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, CLB là nơi tập hợp hội viên trẻ và các cây bút trẻ đang sống, công tác tại Hà Nội. Không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, CLB còn là nơi tạo nguồn cho sự phát triển của văn học Thủ đô.
Hơn một năm kể từ ngày ra mắt, đến nay, CLB Văn học trẻ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động như giới thiệu sáng tác mới của tác giả Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Thị Kim Nhung; tham gia và tổ chức các tọa đàm như Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây, Một tương lai AI viết văn, Văn xuôi trẻ Hà Nội có gì ngoài hiện thực; tham gia Hội nghị Viết văn trẻ tại Ninh Bình, tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác tại Cô Tô... Chính trong những hoạt động mang tính kết nối này, nhiều tác giả trẻ đã mạnh dạn bày tỏ quan niệm văn chương, phản biện trước những định kiến trong cách đánh giá về người viết trẻ, thể hiện cách tiếp cận văn chương mới...
Diễn đàn của người trẻ và cho người trẻ
Song, nếu chỉ dừng ở giao lưu, học hỏi thì dường như sân chơi dành cho người viết trẻ vẫn còn thiếu “lửa”, nhất là khi mỗi tác giả luôn mong muốn được công bố tác phẩm, được tiếp cận với độc giả, được thấy “đứa con tinh thần” của mình trong hình hài cụ thể. Đó là một phần lý do để tạp chí Văn+ của CLB ra đời. Chủ nhiệm CLB Văn học trẻ Hà Nội Nguyễn Vinh Huỳnh bày tỏ: “Đây là một diễn đàn, một sân chơi văn chương cho các cây viết trẻ không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước, thậm chí cả người Việt ở nước ngoài với những tác phẩm sáng tạo theo hướng khám phá, tìm tòi mới lạ, những góc nhìn riêng, biên độ ngoại vi được mở rộng, có tính đa thanh, đa văn hóa trong nội dung ấn phẩm. Chúng tôi mong muốn quy tụ lực lượng trẻ, kể cả những người chưa từng có tác phẩm được đăng ở đâu. Văn+ như trạm thu phát sóng đón nhận tần số của các tác giả trên diện rộng, gồm cả sóng ngắn, sóng dài, thậm chí cả sóng ngầm”.
Hiện, Văn+ mới ra số đầu tiên với tên gọi Trên đôi cánh tưởng tượng. Tại đây, bạn đọc có thể đọc chùm thơ của các tác giả Nam Thiên Phú, Bùi Việt Phương, Bạch Diệp, Phạm Quyên Chi..., truyện ngắn của Hiền Trang, An Vi, Nguyễn Thu Hằng... và đặc biệt là tiểu thuyết dài kỳ Tòa tháp đen của tác giả trinh thám Đức Anh. Bên cạnh mảng sáng tác, Văn+ còn giới thiệu văn học dịch với Ngôi nhà trong rừng, Bạch đạo sĩ, có đối thoại với nhân vật - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, có mảng nghiên cứu lý luận phê bình với Todorov đã thực sự nói gì trong “Văn chương lâm nguy?”, và mang đến thông tin văn chương đa chiều qua Chúng ta có cần tiểu thuyết gia khi AI đã học được cách viết?, Văn học giả tưởng - Một khái niệm...
Đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Văn+, song nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội, cho rằng: “Trong bối cảnh đang có nhiều ấn phẩm, nhiều tạp chí liên quan đến văn chương như hiện nay, để Văn+ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc thì cần xác định “đặc sản” của Văn+ là gì? Mỗi số Văn+ cần điểm nhấn như một áng văn hay để định hướng, dẫn dắt người đọc đi vào khu vườn bí mật của văn chương”.
Văn chương cần cái mới, cái lạ, không lặp lại. Do đó, theo nhà thơ Trương Đăng Dung: Mỗi số Văn+ cần mang lại không chỉ là cảm nhận mới về cuộc sống, về những vấn đề đang đặt ra của cuộc sống mà còn cần những bài viết giàu tính trí tuệ, giàu nhận thức mới. Các bài phê bình không chỉ giới thiệu cuốn sách mà còn gợi mở để người đọc biết rằng văn chương là lĩnh vực có những yếu tố đặc thù mà ai dấn thân vào đây, trước hết người đó phải có năng lực. Điều đó mới giúp cho tạp chí phát triển bền vững.