Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 21/08/2020

(HNM) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành Công Thương thành phố triển khai nhiều phần việc, giúp các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến tăng cường hoạt động, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh cả cộng đồng phải chung sống an toàn với dịch bệnh.

Dịch vụ giao hàng nhanh đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử.

Gia tăng theo cấp số nhân

Chị Nguyễn Thị Nga (ngụ tại phường Long Trường, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, cách đây gần một năm chị còn không biết nhiều về công nghệ và không thích mua hàng online (trực tuyến). Thông thường, cứ 2 ngày chị lại đi chợ truyền thống một lần. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, chị đã dần quen với việc mua hàng trực tuyến vì sự tiện dụng của hình thức này. “Tôi chỉ cần ngồi nhà và vào trang web lựa chọn đơn hàng, đặt hàng rồi thanh toán qua mạng. Mua hàng giờ thật dễ dàng”, chị Nga chia sẻ.

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) là một trong những đơn vị đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thời gian qua, bà Lê Thị Ngọc Mẫn đại diện Saigon Co.op cho biết, từ khi có dịch Covid-19, đơn vị này đã tăng cường bán hàng qua mạng, qua điện thoại, giao hàng tại nhà. Chỉ riêng từ ngày 10 đến 16-8, đơn hàng giao dịch trực tuyến tại Saigon Co.op đã tăng gấp 10 lần so với trước khi xảy ra các ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, vào cuối tháng 7 vừa qua.

Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất của thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến khích bán hàng qua điện thoại, website và hợp tác với trang thương mại điện tử. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food Lê Thanh Lâm cho hay: “Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, người tiêu dùng đã có kinh nghiệm và tâm lý vững vàng hơn, không mua tích trữ, mà mua sắm thường xuyên qua mạng. Nhờ đó, doanh số bán hàng trực tuyến của chúng tôi tăng trưởng đều hơn”.

Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần thứ hai của tháng 8-2020, doanh thu tại siêu thị, cửa hàng tiện ích giảm 10%. Lượng khách đến siêu thị giảm 50% do người dân lo ngại tiếp xúc đông người. Tuy nhiên, lượng hàng hóa mua bán trực tuyến, giao hàng tại nhà lại gia tăng. Các số liệu thống kê từ nhà cung cấp dịch vụ cho thấy, nền tảng mua sắm trực tuyến Tiki phát triển nhanh nhất, với kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút; kênh bán hàng trực tuyến của SpeedL (của Lotte Mart) và Saigon Co.op gia tăng số lượng giao hàng theo cấp số nhân. Ngoài ra, theo Sở Công Thương, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp thành phố qua internet đang chiếm 42,1% tổng doanh thu; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng thẻ thanh toán, chuyển khoản khi mua hàng đạt 30,8%.

Hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng bán hàng trực tuyến

Mặc dù đã đạt kết quả khả quan, nhưng mua sắm trực tuyến vẫn chưa thực sự chiếm được lòng tin tuyệt đối của khách hàng. Theo một khảo sát của Công ty Nielsen Việt Nam (chuyên nghiên cứu thị trường), những rào cản khiến người tiêu dùng Việt Nam “ngại” mua sắm trực tuyến là chất lượng, giá cả, độ tin cậy của sản phẩm. Để góp phần giải tỏa những lo lắng này, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử để ký cam kết không bán hàng giả. Các đơn vị ký kết gồm: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Thegioididong, FPT shop, HC, Mediamart, Pico, Rongbay, Vatgia, Fado, Joolux, Sapo... Anh Nguyễn Minh Hùng (quận Gò Vấp) cho hay: "Việc các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử ký cam kết với Sở Công Thương thành phố cũng giúp tôi yên tâm mua sắm trực tuyến hơn".

Ngoài ra, để giúp người dân mua sắm thuận tiện, Sở Công Thương thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai giải pháp hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử. Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông thông tin: “Sở đã tổng hợp danh sách 222 kho hàng, điểm trung chuyển hàng hóa của doanh nghiệp thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ giao hàng, đề nghị chính quyền các địa phương, nơi có kho hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị này hoạt động theo luật định, phục vụ người dân”.

Sự phối hợp, tạo điều kiện từ cơ quan quản lý, trong đó có Sở Công Thương thành phố đã góp phần giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho thương mại điện tử. Theo số liệu của Sở Công Thương thành phố, hiện tại, 33% doanh nghiệp của thành phố đã quan tâm đầu tư chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, mua sắm và thanh toán trực tuyến.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết: “UBND thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tạo môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi cho người dân. Việc này vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa góp phần phát triển thương mại điện tử cho thành phố Hồ Chí Minh”.

Tuệ Diễm