Vì lợi ích của nền kinh tế

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 22/08/2020

(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tín dụng ngân hàng được dự báo khó có thể tăng trưởng mạnh từ nay đến cuối năm. Thực tế, 7 tháng năm 2020, tín dụng ngân hàng chỉ tăng 3,45%, bằng một nửa so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đối với một số lĩnh vực kinh tế quan trọng hiện chỉ khoảng 5%/năm. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng chủ động tiết giảm chi phí, lợi nhuận, để có thêm dư địa giảm lãi suất cho doanh nghiệp, kể cả khoản nợ cũ lẫn khoản vay mới.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã tác động đến nguồn cung nguyên liệu cũng như thị trường xuất khẩu. Trong nước, doanh nghiệp các lĩnh vực du lịch, hàng không, dịch vụ, sản xuất công nghiệp… chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh nói riêng, của nền kinh tế nói chung sụt giảm. Tín dụng ngân hàng, một trong những kênh cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế cũng tăng trưởng chậm.

Đương nhiên, khi tăng trưởng tín dụng chậm đồng nghĩa tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Không những vậy, ngân hàng còn phải lo cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, không để nợ xấu phát sinh... Sau doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Thực tế, quan điểm, chủ trương nhất quán của Chính phủ là hạ mặt bằng lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Chủ trương này đã được Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, cũng như trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020. Song, đi đôi với việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, các ngân hàng còn tìm cách phát triển các dịch vụ mới, hướng dòng vốn vào phục vụ đời sống người dân hay kích cầu tiêu dùng nội địa; tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ hay các vùng kinh tế trọng điểm theo đề án của Chính phủ. Một số lĩnh vực thiết yếu như thiết bị y tế, thuốc, điện, nước, hệ thống siêu thị cung ứng hàng hóa… cũng cần được hưởng tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh, bởi dịch bệnh càng phức tạp những lĩnh vực dịch vụ thiết yếu của xã hội càng cần phải được giữ ổn định.

Trong quá trình hoạt động, vẫn còn doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận tín dụng ưu đãi do không đáp ứng được điều kiện thủ tục. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát rủi ro, không để phát sinh nợ xấu, các ngân hàng cũng nên nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử, bất động sản là lĩnh vực kiểm soát tín dụng, nhưng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp lại cần được ưu tiên. Hướng dòng vốn vào lĩnh vực này vừa giải quyết nguồn cung sản phẩm thị trường đang thiếu, đồng thời giải quyết việc làm, kích thích đầu tư cho xã hội.

Lúc này, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với lãi suất hợp lý là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là giải pháp giúp ngân hàng duy trì hiệu quả kinh doanh. Hơn thế, ở góc độ doanh nghiệp, trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn là rất quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, ngân hàng, mà còn cho cả nền kinh tế và xã hội.

Gia Khánh