Thủ tướng Iraq lần đầu thăm Mỹ: Chương mới trong quan hệ song phương
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 22/08/2020
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh quan hệ Iraq - Mỹ đang có nhiều trắc trở. Gần 3 năm sau tuyên bố đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự hiện diện của quân đội Mỹ làm gia tăng căng thẳng chính trị, xã hội tại Iraq. Tâm lý chống Mỹ lên cao sau vụ không kích hồi đầu năm 2020 khiến Tướng quân đội Iran Qassem Soleimani và một sĩ quan cấp cao Iraq thiệt mạng.
Giới chuyên môn cho rằng, việc ứng xử trong mối quan hệ với Washington là một trong những thách thức lớn của ông M.Al-Kadhimi trên cương vị Thủ tướng. Nếu thuận lợi, điều này cũng sẽ giúp cải thiện tình hình khó khăn của Iraq về tài chính khi ngân sách đang hao hụt nghiêm trọng vì phụ thuộc nhiều vào dầu thô cũng như cải thiện niềm tin của người dân vào chính quyền mới.
Mặt khác, trước thực tế Iran và Mỹ vẫn leo thang cạnh tranh nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Iraq, chuyến công du lần này còn là dịp để Baghdad định hình rõ hơn chính sách đối ngoại, cân bằng quan hệ với hai quốc gia. Vấn đề cần được xử lý khéo léo vì chỉ cách đây ít tuần, Thủ tướng M.Al-Kadhimi đã gặt hái được nhiều thành công trong chuyến thăm Iran, trong đó cam kết với Tehran về việc không để bất cứ “mối đe dọa” nào đối với quốc gia này tồn tại trên lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Mỹ không chỉ muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào của Iraq, mà còn cần bảo đảm sức ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, trong đó có nỗ lực hỗ trợ Iraq giảm phụ thuộc vào Iran, đặc biệt là về năng lượng.
Mong muốn xích lại gần nhau được thể hiện sâu sắc trong mọi hoạt động của chuyến công du. Trong tuyên bố chung giữa Chính phủ hai nước trước thềm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Mỹ đã khẳng định tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như các quyết định của giới chức hành pháp và lập pháp Iraq, đồng thời tái khẳng định ủng hộ cải cách kinh tế của nước này. Chính phủ của Tổng thống D.Trump cũng tuyên bố sẽ viện trợ nhân đạo bổ sung hơn 200 triệu USD cho Iraq.
Hàng loạt tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ cũng hoàn tất ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển với phía Iraq, trong đó bao gồm khai thác các mỏ dầu, xây dựng hạ tầng điện, khí tự nhiên... Không khí nồng ấm cũng thể hiện trong các thảo luận trực tiếp giữa Tổng thống D.Trump với Thủ tướng M.Al-Kadhimi. Trong đó, ông chủ Nhà Trắng đã tái khẳng định cam kết sẽ “sớm” rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Iraq, trong khi nhà lãnh đạo Iraq tuyên bố đất nước của ông mở cửa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Iraq vẫn có những rào cản nhất định cần vượt qua, trong đó có những yêu cầu “khó” từ phía Mỹ như Iraq phải loại bỏ các nhóm vũ trang phi chính phủ mà Washington cho rằng đã làm suy yếu chủ quyền quốc gia của Iraq và thay thế các lực lượng này bằng cảnh sát địa phương. Ngoài ra, việc có thể vừa duy trì quan hệ tốt với Iran vì lợi ích quốc gia, vừa bảo đảm hợp tác hiệu quả với Washington để vực dậy nền kinh tế luôn là thách thức không nhỏ đối với Baghdad trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước này đang tiếp tục leo thang.
Dù còn một chút vướng mắc nhưng triển vọng để Iraq và Mỹ thiết lập hợp tác cùng có lợi không hề bất khả thi. Những cơ hội mở ra trong chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo xứ Nghìn lẻ một đêm hứa hẹn sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng đối với nỗ lực tái thiết quốc gia Trung Đông đã trải qua nhiều năm dài chiến tranh.