Giảm lãi suất, mở rộng tín dụng
Tài chính - Ngày đăng : 06:44, 22/08/2020
Lãi suất cho vay ở mức thấp
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu tháng 8-2020, một số lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm 0,2-0,5%/năm. Đây là lần thứ 3 kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thêm thanh khoản, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng, hiện mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam đối với một số lĩnh vực giảm còn 5%/năm.
Sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế cũng phân tích, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn hiện là 4,25%/năm, so với tỷ lệ lạm phát bình quân khoảng 4,19% cho thấy chênh lệch rất nhỏ. Điều đó có nghĩa, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện đã rất thấp.
Thực tế, không cần chờ chính sách điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã tiết kiệm chi phí, chủ động hạ lãi suất cho vay. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank giảm khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Một số khoản vay của doanh nghiệp chỉ áp dụng lãi suất quanh mức 5%/năm, ngang với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cho biết, đến nay, lãi suất cho vay của VietinBank đã giảm 2-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch Covid-19. Dự kiến, VietinBank sẽ cắt giảm lợi nhuận khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Tương tự, các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng giảm tiếp lãi suất huy động và cho vay từ 0,2% đến 0,6%/năm tùy từng kỳ hạn ngay từ đầu tháng 8-2020.
Dự báo tăng trưởng tín dụng khoảng 10%
Mặc dù lãi suất cho vay thấp, nguồn vốn dồi dào, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cầm chừng nên nhu cầu vay vốn của nền kinh tế nói chung cũng rất thấp. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7-2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt khoảng 3,45%, trong khi nguồn vốn huy động tăng 5,31%. Con số này bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2019 tín dụng tăng trưởng 7,13%).
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, thanh khoản của ngân hàng hiện khá dồi dào, thậm chí dư thừa vốn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến tăng trưởng của ngân hàng chậm lại. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng chia sẻ, nguồn vốn còn nhiều, nhưng khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đang ở mức rất thấp.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, trong những tháng cuối năm 2020, tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm, song khó vượt mức 10%. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng dự báo, nhu cầu tín dụng có khả năng phục hồi, song, mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 9-10%. "Sau doanh nghiệp, các ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân, các ngân hàng cũng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp", Tiến sĩ Cấn Văn Lực phân tích.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh cho hay, bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, chia sẻ với doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang kiểm soát chặt rủi ro, xây dựng kịch bản kinh doanh chủ động thích ứng với diễn biến của dịch bệnh và điều kiện của nền kinh tế.
Với VietinBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh thông qua phát triển khách hàng ở các vùng kinh tế trọng điểm; đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi cho những doanh nghiệp cung ứng mặt hàng thiết yếu như: Thiết bị y tế, thuốc, cửa hàng tiện lợi, điện, nước…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung mở rộng tín dụng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bố trí đủ vốn cần thiết để phát triển sản phẩm cho vay phục vụ đời sống. “Đặc biệt, các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, lợi nhuận để dồn lực giảm lãi suất cho vay thực chất, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Cùng với đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đổi mới, cải cách thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay, bảo đảm an toàn nguồn vốn, không làm phát sinh thêm nợ xấu.