Trọng trách tìm ''vàng''

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 23/08/2020

(HNM) - Hoạt động nghệ thuật đang đối mặt với một khó khăn rất căn bản để thu hút khán giả, đó chính là yếu tố con người. Càng nan giải hơn khi đây là một lĩnh vực có tính chất đặc thù, luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng khiếu, tính sáng tạo và sự khổ luyện của nghệ sĩ...

"Đãi cát tìm vàng" là vậy, nhưng việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật lại đang bị "đánh đồng" với các lĩnh vực đào tạo nghề khác. Sự việc bắt nguồn vào cuối tháng 7-2020 từ một văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) yêu cầu một số đơn vị đào tạo nghệ thuật dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Chủ trương này được thực hiện theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là các cơ sở giáo dục đại học chỉ được đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; việc đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng do cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm nhiệm.

Chiểu theo quy định này, các trường đào tạo nghệ thuật đang rơi vào thế khó. Bởi lâu nay, "đào tạo nghề" lĩnh vực nghệ thuật có những yêu cầu rất riêng. Đó là phải tìm được người có năng khiếu, lòng đam mê, sự kiên trì; phải rèn giũa từ tuổi nhỏ và trải qua nhiều năm khổ luyện mới có thể thành nghề. Chưa kể, hình thức đào tạo một số lĩnh vực nghệ thuật như múa, âm nhạc... có sự khác biệt khi điểm khởi đầu có thể là hệ sơ cấp, trung cấp...

Như vậy, xét tính chất của hoạt động sân khấu biểu diễn thì vấn đề trọng tâm là phải tạo ra các lớp nghệ sĩ có tài năng thực sự. Muốn làm được, không có cách nào khác là người nghệ sĩ phải được đào tạo một cách bài bản trong môi trường nghệ thuật chuyên sâu, uy tín bên cạnh năng khiếu của họ.

Hiện, chủ trương "dừng tuyển sinh hệ trung cấp đối với một số đơn vị đào tạo nghệ thuật" mà các đơn vị nằm trong diện này cho rằng có bất cập - đang được cấp thẩm quyền xem xét để trình Chính phủ, Quốc hội, kiến nghị thay đổi theo hướng phù hợp thực tiễn. Hy vọng, với sự vào cuộc kịp thời của các bên liên quan, vướng mắc này sớm được tháo gỡ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác đào tạo nghệ thuật - lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên sâu và đặc thù.

Bên cạnh đó, ở góc độ các cơ sở đào tạo và đơn vị nghệ thuật, một mặt tiếp tục chủ động tìm kiếm tài năng để đào tạo hoặc đào tạo lại, mặt khác cần phối hợp chặt chẽ, giúp sinh viên có môi trường học thuật tốt, phô diễn tài năng, rèn nghề, từ đó đáp ứng yêu cầu công việc khi ra trường. Đặc biệt, việc tăng cường liên kết cũng giúp cơ sở đào tạo nghệ thuật nắm bắt được xu hướng, nhu cầu sử dụng nhân lực, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo cụ thể, bài bản và theo sát đời sống nghệ thuật luôn có nhiều biến động như hiện nay.

Trong bối cảnh sân khấu biểu diễn đang bị cạnh tranh, lấn át của nhiều loại hình giải trí hiện đại thì sự nỗ lực, cố gắng của riêng các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật là chưa đủ. Người nghệ sĩ - với vai trò "hạt nhân" trong hoạt động nghệ thuật, phải luôn trau dồi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm; "cháy hết mình" trong hoạt động nghệ thuật để dành được sự yêu mến của khán giả. Cùng với đó, lớp nghệ sĩ đi trước phải dẫn dắt, tham gia truyền dạy và tạo niềm cảm hứng, làm gương sáng cho lớp nghệ sĩ đi sau phấn đấu vươn lên, hết mình vì nghệ thuật.

Trong mọi hoàn cảnh, yếu tố con người luôn có tính chất quyết định đến đời sống nghệ thuật. Vì thế, việc tìm “vàng” - những nghệ sĩ tài năng là trọng trách, yêu cầu cao đặt ra cho các cơ sở đào tạo và đơn vị nghệ thuật.

Hoàng Hà