Xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 07:07, 23/08/2020
Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai:
Nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô
Để hiện thực hóa mục tiêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội không thể thiếu vai trò to lớn của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô. Do vậy, tôi đề xuất cần đưa thêm vấn đề này vào nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2020-2025. Điều này xuất phát từ các quan điểm:
Thứ nhất, sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân lao động Thủ đô là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Thứ hai, đội ngũ công nhân lao động Thủ đô phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công - nông, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ ba, việc xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ tư, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa cho công nhân... Thứ năm, việc xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Thành ủy và quản lý của UBND thành phố Hà Nội có vai trò quyết định.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh:
Quan tâm đến văn hóa gia đình và giáo dục gia đình
Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá đúng tầm mức, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đề xuất bổ sung trong dự thảo Báo cáo chính trị nội dung: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện tốt bình đẳng giới. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tiềm năng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ cán bộ khoa học, nữ trí thức, nữ doanh nhân… trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp làm nòng cốt trong công tác phụ nữ thành phố”.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, nhiều vấn đề tác động tới văn hóa, tới gia đình. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa gia đình và giáo dục gia đình, nghiên cứu bổ sung nội dung về vai trò của các tầng lớp nhân dân; trong đó có thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi... trong việc phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, nhất là truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn:
Làm rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Tại nội dung đánh giá Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập tương đối đầy đủ về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua. Đó là việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội…
Từ thực tế hoạt động và qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, nhân dân Thủ đô rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền… trong việc quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ hơn vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Dự thảo mới chỉ đề cập tới “các tổ chức thành viên”, vốn là các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, chưa đề cập tới các “cá nhân tiêu biểu”. Do đó, dự thảo cần được bổ sung để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Tại nội dung đánh giá về công tác tôn giáo, sau cụm từ “phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín…” nên bổ sung cụm từ “nhà tu hành, chức việc các tôn giáo” bởi đây cũng là đối tượng có vai trò quan trọng mà công tác tôn giáo luôn phải hướng tới...