Đàm phán về quan hệ EU - Anh hậu Brexit: Triển vọng mờ mịt

Thế giới - Ngày đăng : 07:38, 24/08/2020

(HNM) - Đã gần 7 tháng kể từ sự kiện Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), triển vọng định hình mối quan hệ hậu Brexit giữa London và Brussels vẫn mờ mịt khi vòng đàm phán mới nhất vào tuần trước tiếp tục bế tắc trong các chủ đề gai góc vốn gây tranh cãi từ đầu năm nay. Trong khi đó, thời gian đang hối thúc các nhà đàm phán hai bên khi giai đoạn chuyển tiếp đã gần kết thúc.

Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost (trái) và nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.

Vòng đàm phán thứ bảy giữa EU và Anh với mục tiêu đạt được một thỏa thuận sau quá trình xứ sở Sương mù rời khỏi “mái nhà chung”, còn gọi là Brexit, vào trước thời điểm cuối năm nay đã được nối lại vào hôm 18-8 vừa qua tại thủ đô Brussels (Bỉ) sau gần 1 tháng nghỉ hè. Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh hai bên vẫn còn những bất đồng lớn về hàng loạt vấn đề then chốt, trong đó nổi bật là quyền đánh bắt cá và các quy định về cạnh tranh. Hiện Anh đã chính thức rời khỏi EU sau 47 năm là thành viên của liên minh này, song vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của châu Âu cho đến hết năm 2020 trong khi chờ đợi một khuôn khổ quan hệ mới được kỳ vọng sẽ hình thành vào cuối năm.

Tuy nhiên, các quan chức EU cho biết, sau 4 ngày làm việc tại Brussels, hai đoàn đàm phán vẫn không ghi nhận bất cứ bước đột phá hay tiến triển nào về những điểm quan trọng. Tại buổi họp báo vào chiều 21-8 (giờ địa phương), nhà đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier đã chỉ trích phía Anh làm lãng phí quá nhiều thời gian, đồng thời không giấu nổi sự thất vọng khi cho rằng một thỏa thuận giữa hai bên là rất ít khả thi bởi quá trình đàm phán dường như đang “đi lùi”. Theo ông M.Barnier, trở ngại chính nằm ở việc London không chấp nhận một số nguyên tắc mang tính nền tảng của Brussels, trong đó mấu chốt là nước này phải tuân thủ nguyên tắc “sân chơi công bằng” và đạt được thỏa thuận về nghề cá nếu muốn EU gạt bỏ hoàn toàn mức thuế và hạn mức.

Trong khi đó, nước Anh cũng có lập luận riêng của mình. Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost phản bác lại rằng, chính sự không khoan nhượng của EU trong các vấn đề về trợ cấp nhà nước và nghề cá đã chặn đứng con đường dẫn tới những cuộc thảo luận tiếp theo giữa các bên. Trước đó, xứ sở Sương mù từng bày tỏ quan điểm EU chưa thực sự công nhận sự độc lập về kinh tế và chính trị của Anh. Dù chưa đạt được tiến triển lớn nhưng trong vòng đàm phán này, Anh cũng đã trao cho EU dự thảo về hiệp định thương mại giữa hai bên do nước này soạn thảo, trong đó đề cập rõ ràng và chi tiết hơn các quan điểm của London.

Khác với những lần trước đó, vòng đàm phán vừa diễn ra phải chịu sức ép về thời gian bởi chậm nhất hai bên đưa ra được thỏa thuận là vào cuối tháng 10 tới để kịp phê chuẩn trước khi hết hạn giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12-2020. Thế nhưng theo đà này, nguy cơ thời kỳ hậu Brexit không có thỏa thuận là rất lớn nếu bế tắc vẫn không được khai thông. Khi đó, mối quan hệ thương mại giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ được định hình dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các biểu thuế cao hơn và thủ tục phức tạp hơn. Đây là một kịch bản mà cả hai bên đều không mong muốn, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại, đầu tư và giao lưu của người dân hai phía, nhất là khi các nền kinh tế đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 với nguy cơ lún sâu vào suy thoái chưa từng có.

Dự kiến, vòng đàm phán thứ tám về thỏa thuận giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ diễn ra tại thủ đô London (Anh) từ ngày 7 đến 11-9 tới đây. Trong quá trình chạy nước rút khi thời hạn chót đã cận kề, các nhà đàm phán mỗi bên chắc chắn sẽ phải cân nhắc về những nhượng bộ cần thiết để cứu vãn các cuộc thảo luận với hy vọng có thể xoay chuyển tình thế.

Minh Hiếu