Xây dựng đội ngũ, khắc phục dần việc ''ăn đong'' giáo viên
Giáo dục - Ngày đăng : 17:33, 25/08/2020
Năm học 2019-2020, cả nước có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học với gần 8,8 triệu học sinh, tăng 277.000 học sinh so với năm học 2018-2019. Tỷ lệ học sinh trung bình là 31 học sinh/lớp. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 80,1%, tăng gần 6% so với năm học trước. Tổng số giáo viên tiểu học trên cả nước là 403.000 người, cơ bản đủ để dạy học 2 buổi/ngày. 100% tỉnh, thành phố duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 18 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ trên 28%.
Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả, nhất là với lớp 1 - lớp đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương là thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục để bố trí quỹ đất xây dựng trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, khắc phục tình trạng trường có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tiểu học là bậc học nền tảng để giáo dục học sinh có nhân cách toàn diện, phát triển tốt. Năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương triển khai tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thực hiện tinh giản nội dung chương trình từ lớp 2 đến lớp 5, tránh tình trạng dạy thừa hoặc dạy các nội dung đã tinh giản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy định mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, các địa phương cần lưu ý việc khen thưởng phải đúng, tạo động lực cho học trò, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. Các địa phương cần tập trung xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm tới, khắc phục dần việc “ăn đong”, bồi dưỡng giáo viên dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tránh lúng túng khi triển khai; đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp và trang thiết bị dạy học.