Thừa Thiên - Huế và Bộ Tài chính dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 22:28, 26/08/2020
Đây là năm thứ ba Bộ Thông tin và Truyền thông công bố báo cáo, dựa trên tổng hợp, phân tích báo cáo tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương và kết quả kiểm tra trực tuyến trên trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan.
Theo đó, khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt qua Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế (0,9039 điểm) vươn lên dẫn đầu cả nước; vị trí thứ hai là thành phố Đà Nẵng (0,8813 điểm); tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, An Giang, Thanh Hóa. Lâm Đồng và Hà Nội cùng xếp thứ chín.
Đáng chú ý, hai địa phương là An Giang (0,8217 điểm) tăng 6 bậc vươn lên vị trí thứ bảy và Hà Nội (0,7826 điểm) tăng 2 bậc lên vị trí thứ chín so với năm 2018 để lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019. Năm địa phương ở nhóm cuối cùng bảng xếp hạng là Cao Bằng, Kon Tum, Bạc Liêu, Nghệ An, Bến Tre.
Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, một số tỉnh, thành phố có sự thay đổi tích cực về thứ hạng là do triển khai tốt các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ, nhóm 5 cơ quan dẫn đầu là Bộ Tài chính (0,9291 điểm), tiếp theo là các bộ: Công Thương (0,8914 điểm), Thông tin và Truyền thông (0,8642 điểm), Y tế (0,8639 điểm), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (0,8598 điểm).
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải vươn lên vào top 10 bộ, ngành, tăng 4 bậc so với năm 2018; trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bị giảm 5 bậc, đứng thứ 15/17 bộ, ngành.
Ở khối 7 cơ quan trực thộc Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm thứ ba liên tiếp giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019, tiếp theo là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các đơn vị Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam lần lượt xếp các vị trí 3, 4 và 5.
Cũng theo đánh giá của Cục Tin học hóa, năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cả ba khối cơ quan (khối bộ, cơ quan ngang bộ; khối cơ quan thuộc Chính phủ; khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đều tăng so với năm 2018.
Cụ thể, chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trung bình của khối bộ, cơ quan ngang bộ tăng từ mức 0,69 điểm năm 2018 lên 0,82 điểm năm 2019. Các chỉ số thành phần trung bình của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 đều tăng so với năm 2018 (hai chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ tăng nhiều nhất) cho thấy các đơn vị tăng cường đầu tư để triển khai các ứng dụng phục vụ phát triển chính phủ điện tử.
Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 dựa trên 6 hạng mục: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; trang/cổng thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin; nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.