Hà Nội cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS: Thấy rõ hạn chế để khắc phục

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:15, 27/08/2020

(HNM) - Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), thành phố Hà Nội đã và đang tập trung làm rõ những hạn chế để có biện pháp khắc phục. Cùng với đó, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố sẽ triển khai khảo sát, đo lường theo đơn vị và theo lĩnh vực nhằm nâng cao các chỉ số.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành

Kết quả chưa như mong đợi

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã rất quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị nâng cao chỉ số PAPI, thế nhưng kết quả vẫn chưa được cải thiện nhiều. Năm 2019, Hà Nội có tổng điểm là 41,54 (thang điểm 80); xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2018, trong nhóm 4 gồm 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điểm thấp nhất cả nước. Trong đó, chỉ số “công khai minh bạch” đạt 4,99/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,57/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,13/10 điểm... 

Đối với chỉ số SIPAS năm 2019, thành phố Hà Nội đạt mức 80,09%, xếp 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, chỉ số “tiếp cận dịch vụ hành chính công” đạt 83,14%; “thủ tục hành chính” đạt 82,95%; “công chức trực tiếp giải quyết” đạt 78,38%; “tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị” đạt 72,33%...

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Phạm Minh Hùng, mặc dù vẫn tiếp tục duy trì chỉ số hài lòng trên 80%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, nhưng Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng chưa bền vững; thấp hơn mức trung bình của cả nước 4,36% (mức trung bình cả nước là 84,45%). Do đó, Hà Nội cần tập trung phân tích nguyên nhân, để có giải pháp cải thiện, nhất là với 2 chỉ số còn đạt dưới 80%.

Là người theo dõi chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội trong nhiều năm, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, dù đã nỗ lực, song Hà Nội có kết quả chỉ số PAPI chưa như mong đợi. Do đó, thành phố cần tập trung chấn chỉnh đối với những nội dung đạt điểm thấp, củng cố lại những nội dung, kế hoạch đã đề ra…

Cán bộ bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: Quang Thái

Quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại các kế hoạch về cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI và SIPAS, trong tháng 7-2020, Sở Nội vụ Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra đột xuất đối với 12 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Vì, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn.        

Kết quả cho thấy, bên cạnh những mặt làm được, các đơn vị được kiểm tra đều có tồn tại cả về chỉ số PAPI và SIPAS. Điển hình là 6/6 quận, huyện chưa trang bị mới cho UBND cấp xã bản đồ quy hoạch đất đai theo nhiệm vụ thành phố giao. UBND cấp xã chưa thực hiện đúng, đủ trách nhiệm để người dân biết, theo dõi về các nội dung công khai. Đặc biệt, 12/12 lãnh đạo xã, phường, thị trấn được kiểm tra chưa nắm được một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong khi đây là những nội dung chỉ số PAPI đặc biệt quan tâm.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã xác định và chỉ ra những hạn chế, đồng thời kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp khắc phục. Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị UBND thành phố đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố tổ chức tập huấn, đôn đốc thường xuyên đối với lãnh đạo UBND cấp xã về các nội dung được quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11...

Nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI và SIPAS, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 27-7-2020 về khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Hà Nội năm 2020 và Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 5-8-2020 về khảo sát, đo lường và nghiên cứu phân tích chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố năm 2020. Thời gian khảo sát từ tháng 8 đến hết tháng 12-2020.

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên, việc khảo sát, đo lường rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để huyện tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của mình… Còn Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chỉ số PAPI, SIPAS, đầu tháng 8-2020, quận đã ban hành “Hướng dẫn tuyên truyền cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo” và “Hướng dẫn tuyên truyền cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020”. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị và 18 phường trên địa bàn quận triển khai tuyên truyền sâu rộng, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ trách nhiệm của mình...

Sự quyết tâm cùng nhiều giải pháp thiết thực mà thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện, chính là cơ sở để các chỉ số PAPI, SIPAS của thành phố năm 2020 được cải thiện, nâng cao như mong đợi.  

- PAPI là tên gọi chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) khởi xướng từ năm 2009. Năm 2019, nghiên cứu PAPI đã khảo sát từ 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
- Chỉ số SIPAS do Bộ Nội vụ tiến hành đo lường nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức.

Hiền Thu