Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:29, 28/08/2020
Nhiều tiêu chí chưa đạt
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn dựa trên 19 tiêu chí với thang điểm 100. Tuy nhiên, các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đặt ra cao hơn rất nhiều so với nông thôn mới. Đơn cử, tiêu chí trường học, yêu cầu xã phải có đủ 3 cấp trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, trong đó phải có tối thiểu 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hay như với tiêu chí thu nhập, yêu cầu thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của thành phố tại thời điểm xã đó được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới... Do đó, các địa phương phải nỗ lực rất lớn.
Thời điểm hiện nay đã cuối tháng 8 nhưng nhiều xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020 vẫn còn những tiêu chí chưa đạt. Chủ tịch UBND xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) Nguyễn Duy Hùng chia sẻ: “Đến nay, xã mới có 13 tiêu chí đạt; 5 tiêu chí cơ bản đạt và 1 tiêu chí chưa đạt là trường học, do trên địa bàn xã chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
Tương tự, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Quang Hòa, yêu cầu năm 2020, thu nhập bình quân của xã Nam Sơn phải đạt 60 triệu đồng/người/năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sâu bệnh hại trên cây trồng... do vậy ước chỉ đạt 54 triệu đồng/người/năm nên chưa đạt tiêu chí về thu nhập...
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay thành phố đã có 6 huyện và 355/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, Hà Nội đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ở 4 huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Gia Lâm. Năm 2020, thành phố có 34 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tập trung huy động các nguồn lực
Để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo đúng tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Duy Hùng cho biết, địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh phát triển sản xuất; chỉnh trang lại hạ tầng nông thôn... Tuy nhiên, riêng tiêu chí trường học, việc nâng cấp các trường cần nguồn vốn lớn, nhất là từ UBND huyện Thanh Oai mới có thể đẩy nhanh tiến độ.
Cũng về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa bày tỏ: "Để nâng cao thu nhập cho người dân trong một thời gian ngắn là rất khó. Cùng với triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Nam Sơn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Từ đó áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn".
Thực tế cho thấy, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, vấn đề quan trọng vẫn là cách làm. Đan Phượng là huyện đang có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao dẫn đầu thành phố với 9/15 xã đạt chuẩn; năm 2020, phấn đấu 6 xã còn lại hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, có được kết quả như trên, Đan Phượng đã huy động mọi nguồn lực, ưu tiên thực hiện các tiêu chí khó. Ví như, huyện tập trung đầu tư để mỗi xã đều có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; đầu tư các nhà văn hóa, khu thể thao quy mô xã, thôn đạt chuẩn. Đến nay, qua đánh giá sơ bộ, các xã đều đã cơ bản đạt tiêu chí đề ra.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương. Tuy nhiên, các huyện, thị xã; các xã cũng cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách của địa phương để đầu tư cho các tiêu chí theo đúng tiến độ. Quá trình đầu tư cần có sự tính toán, cân nhắc, ưu tiên cho các tiêu chí còn chưa đạt; hỗ trợ xây dựng các công trình y tế, văn hóa, giáo dục... để thiết thực nâng cao đời sống người dân. Ngoài các tiêu chí “cứng” về hạ tầng, có nhiều tiêu chí “mềm” như: Môi trường, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa... không cần nhiều kinh phí, do vậy các địa phương cần vận động cộng đồng dân cư chung sức thực hiện để đạt kết quả cao.