Nỗ lực vượt qua mùa dịch

Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 29/08/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại khiến những người lao động tự do, thời vụ thiếu việc làm, đồng nghĩa nguồn sinh kế bị ảnh hưởng. Trước thực tế này, các cấp, ngành chức năng của thành phố Hà Nội và bản thân người lao động đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua thời điểm khó khăn.

Được sự hỗ trợ của các cấp, nhiều lao động tự do đã nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm

Vượt qua khó khăn

Chị Lã Thị Hương ở xóm 11, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) lên Hà Nội lập nghiệp ngót nghét 20 năm nay. Chị bám trụ ở ngõ 784 Bạch Đằng, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) từ nhiều năm trước, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để thu gom rác, phế liệu… Công việc của chị vốn đã không ổn định thì từ khi xuất hiện dịch Covid-19 khiến việc thu gom gặp khó khăn hơn, thu nhập không đều. “Cũng may, đợt vừa rồi, tôi và một số chị em cùng cảnh được Chính phủ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn động viên, chia sẻ kịp thời, giúp người lao động nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng xoay hướng tìm việc khác, khi thì rửa bát thuê ở nhà hàng, lúc lại lau dọn nhà cửa cho các hộ dân để có thêm thu nhập”, chị Hương chia sẻ.

Trường hợp anh Trần Văn Phú, 45 tuổi, ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) hiện thuê nhà ở phố An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) cũng gặp không ít khó khăn. Đầu năm 2020, anh Phú vay mượn người quen để mua xe máy giá 5 triệu đồng hành nghề xe ôm nhưng chưa kịp trả hết nợ thì dịch ập đến. Dù kiên trì đón khách, nhưng trung bình mỗi ngày chỉ được 50-100 nghìn đồng, do vậy anh Phú tìm thêm việc cắt tóc thuê, phục vụ hàng ăn. “Nhờ sự giới thiệu của các chị phụ nữ tổ dân phố nơi tôi thuê trọ nên tôi kiếm được việc làm tạm thời”, anh Phú cho hay.

Trong khi đó, tại “chợ lao động” ở gầm cầu Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), dù đã quá trưa (ngày 26-8) nhưng chị Lê Thị Thêm, quê ở Ninh Bình vẫn chưa nhận được việc làm vì nhu cầu tìm người dọn công trình, nhà cửa hay bốc vác ít. “Cả tháng nay chúng tôi rơi vào cảnh "việc chê người". Rất may là trong đợt hỗ trợ vừa qua, tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng vì thuộc đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng”, chị Thêm nói.

Tương tự, anh Trần Văn Trung, quê ở Thanh Hóa lên Hà Nội làm việc từ 3 năm nay bằng nghề bốc vác, dọn dẹp công trình. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc khó khăn hơn, anh đã chủ động tìm việc làm ngay trong ngày để ổn định cuộc sống. "Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tiếp tục có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Trung chia sẻ.

Nhiều giải pháp trợ giúp người lao động   

Cùng với những nỗ lực tự thân của người lao động, chính quyền các cấp và ngành chức năng của thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần ổn định cuộc sống cho những lao động tự do. Theo Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) Lê Bích Hằng, trên địa bàn phường có 841 lao động thuộc nhóm lao động tự do. Trong đó chủ yếu những lao động này làm nghề xe ôm, thu gom phế liệu, bán hàng rong... Để trợ giúp lao động tự do, phường hoàn thành đợt trợ cấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.      

Cũng giống với phường Bạch Đằng, trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) có nhiều lao động tự do ở ngoại tỉnh thuê trọ. Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng người lao động vẫn chủ động tìm kiếm việc làm để vượt khó. UBND phường vừa rà soát, xác minh và chi trả trợ cấp 1 triệu đồng/người/tháng cho 1.233 lao động thuộc nhóm không có giao kết hợp đồng lao động. Đồng thời, phường thành lập 12 tổ vay vốn do Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp phụ nữ phường đảm nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ thủ tục, xác minh nhân thân và điều kiện để người lao động có nhu cầu có thể đăng ký vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.     

Còn theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang, tính đến ngày 28-7-2020, UBND quận Thanh Xuân đã hỗ trợ 6.050 lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc thực hiện chi trả tiền hỗ trợ trên, UBND quận cũng tạo điều kiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn thông qua ngân hàng chính sách.           

Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, tính đến ngày 18-8, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 110.000 người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm. Hiện nay, các đơn vị đang tiến hành xét duyệt hỗ trợ đợt cuối và thành phố sẽ sớm hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho các đối tượng. Sự nỗ lực này hy vọng sẽ trợ giúp một phần để người lao động tự do trên địa bàn thành phố sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Kim Vũ