Thủ tướng Nhật Bản từ chức: Khoảng trống khó bù đắp

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 30/08/2020

(HNM) - Phát biểu trước toàn thể người dân Nhật Bản qua sóng truyền hình ngày 28-8, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố sẽ từ chức vì lý do sức khỏe. Quyết định rời nhiệm sở đột ngột của vị Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử đất nước Mặt trời mọc khi nhiều dự định của ông vẫn chưa hoàn thành đã để lại khoảng trống khó bù đắp.

Thủ tướng Abe Shinzo đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của Nhật Bản.

Thông báo được đưa ra vào thời điểm Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức lớn khiến ngay cả những trợ lý thân cận nhất của ông cũng bất ngờ. Tuy nhiên, theo Thủ tướng A.Shinzo, đây là thời điểm hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Nhật Bản đang dần được kiểm soát. Các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có kế hoạch cung cấp vắc xin cho tất cả người dân và mở rộng năng lực xét nghiệm lên 200.000 lượt/ngày, đã được hoàn tất.

Dù vậy, vị Thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi chưa thể hoàn thành những dự định lớn như đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, ký hiệp ước hòa bình với Nga hay sửa đổi Hiến pháp. 

Trong suốt 2.799 ngày liên tục dẫn dắt đất nước, nhà lãnh đạo sắp bước sang tuổi 66 đã góp phần quan trọng trong việc định hình đất nước Nhật Bản thời hiện đại, phục hưng nền kinh tế từ tình trạng trì trệ những năm 1990 thông qua kế hoạch Abenomics với những chính sách giúp phục hồi thị trường chứng khoán, hạn chế tác động của giảm phát. Kết quả là nền kinh tế Nhật Bản đã có quãng thời gian tăng trưởng liên tục dài thứ hai sau năm 1945. Xứ Hoa anh đào cũng chống chọi hiệu quả với những biến cố lớn suốt hai thập kỷ qua, trong đó có thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 hay cuộc “khủng hoảng kép” kinh tế và y tế từ đầu năm 2020 do Covid-19 gây ra. 

Ở phương diện đối ngoại, Thủ tướng A.Shinzo đã giúp Nhật Bản không ngừng nâng cao vị thế, đồng thời xây dựng được những mối quan hệ thực chất với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông đã thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh phòng vệ quốc gia. Mối quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc cũng nồng ấm hơn dưới “thời đại” A.Shinzo.

Năm 2018, lần đầu tiên sau 7 năm, Thủ tướng Nhật Bản có chuyến công du Trung Quốc, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước. Tokyo cũng củng cố quan hệ với các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Australia, đồng thời xây dựng hiệu quả hình ảnh quốc gia ủng hộ thương mại toàn cầu với việc tích cực tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản.

Với những dấu ấn sâu sắc trên chính trường, việc từ chức của Thủ tướng A.Shinzo để lại sự tiếc nuối đối với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự trân trọng tình cảm lớn lao mà nhà lãnh đạo Nhật Bản dành cho đất nước mình. Nhà Trắng cũng phát đi thông điệp nhấn mạnh Thủ tướng A.Shinzo đã góp phần đưa quan hệ đồng minh giữa hai nước tới ngưỡng mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Chia sẻ tình cảm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá cao những đóng góp của người đồng cấp Nhật Bản đối với mối quan hệ song phương cũng như những “điều tuyệt vời” mà ông đã làm được cho đất nước và thế giới.

Thủ tướng A.Shinzo và nội các sẽ tiếp tục điều hành đất nước đến khi thủ tướng mới được bầu ra. Tuy nhiên, việc từ chức đã kích hoạt một cuộc bầu cử trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) để tìm người thay thế ông làm Chủ tịch đảng. Tiếp sau đó là một cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội để bầu ra người đứng đầu Chính phủ mới. Các lãnh đạo LDP cho biết phương án cụ thể sẽ được quyết định tại phiên họp toàn thể của đảng này vào ngày 1-9. Tuy vậy, điều không thể phủ nhận là nhà lãnh đạo kế tiếp sẽ được “thừa kế” một nước Nhật đoàn kết, mạnh mẽ nhất sau năm 1945, một di sản tuyệt vời mà Thủ tướng A.Shinzo để lại.

Hoàng Linh