Kết nối nguyên liệu cho thủ công mỹ nghệ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 30/08/2020
Thiếu nguồn cung ổn định
Nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, gồm một số chủng loại chính như: Mây, song, giang, tre, gỗ, cói, đất, sừng… ngày càng khan hiếm do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Hà Thị Vinh cho biết, việc thiếu nguyên liệu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký hợp đồng với số lượng hàng lớn. Chưa kể, chất lượng nguyên liệu cũng khó kiểm soát. Ngoài vùng nguyên liệu mới ở trong nước, doanh nghiệp đã phải khai thác từ nước ngoài.
Tương tự, các làng nghề sản xuất mây, tre, giang đan cũng đang “bí” nguồn nguyên liệu đầu vào. Có một số cơ sở hoạt động cầm chừng vì nguyên liệu phải lấy từ các tỉnh miền Trung, vùng Tây Bắc với giá thành, chi phí vận chuyển cao. Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Trung cho hay, trong nhiều thập niên qua, do bị khai thác, xuất khẩu ồ ạt thiếu quy hoạch và quản lý nên nguồn nguyên liệu song mây tự nhiên của Việt Nam đã cạn kiệt.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), trong các ngành nghề thủ công mỹ nghệ thì đồ gỗ là mặt hàng phải nhập khẩu nguyên liệu nhiều nhất. Qua tìm hiểu tại các làng nghề mộc được biết, nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước như: Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia… thời gian qua không ổn định. Trong khi nguồn gỗ nhập khẩu từ các khu vực khác có chi phí vận chuyển cao, giá thành nguyên liệu tăng, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện, nguồn cung nguyên liệu chính cho các làng nghề mây tre đan của Hà Nội là từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Còn nguồn cung nguyên liệu ngành gốm sứ chủ yếu từ các tỉnh có nguồn cao lanh như: Hải Dương, Quảng Ninh, Phú Thọ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nguồn cung nguyên liệu chủ yếu quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu tính ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng, lẫn chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã không dám ký kết những đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, điều này không chỉ làm giảm doanh thu, uy tín của doanh nghiệp với đối tác, mà còn làm giảm thu nhập của người lao động.
Kết nối nguyên liệu hỗ trợ doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, toàn thành phố có gần 5.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nghề truyền thống sơn mài, khảm trai. Bình quân mỗi hộ tiêu thụ khoảng 1,5 tấn nguyên liệu/tháng (gồm các loại như: Tre, gỗ, gốm sứ, sơn, vỏ trai, ốc….). Tổng nhu cầu nguyên vật liệu nhóm ngành sơn mài, khảm trai khoảng 90.000 tấn/năm.
Với 83 làng nghề mây tre đan truyền thống, lượng tiêu thụ nguyên liệu các loại (mây, tre, luồng, nứa, vầu, cỏ tế, chít…) của thành phố Hà Nội cũng không nhỏ. Ước tính, trung bình một doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 40 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 15 tấn nguyên liệu/tháng.
Nhóm ngành nghề gốm sứ với hơn 4.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, tiêu thụ khoảng 600.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, chủ yếu là đất sét và cao lanh. Đối với nhóm ngành mộc, tổng nhu cầu về nguyên liệu gỗ của các làng nghề Hà Nội ước trên 1 triệu mét khối/năm.
Nhằm giúp doanh nghiệp của làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội tìm nguồn cung nguyên liệu, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và sở công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc triển khai các chương trình kết nối cung cầu. Riêng hội nghị kết nối tổ chức năm 2019, nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu đã được ký kết, giúp cơ sở thủ công mỹ nghệ của Hà Nội bảo đảm sản xuất, đồng thời giúp cơ sở sản xuất của các địa phương khu vực phía Bắc tiêu thụ bán thành phẩm ổn định, lâu dài. Năm 2020, theo kế hoạch, các hội nghị kết nối tiếp tục được tổ chức, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai được.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp liên quan về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác và chế biến nguyên liệu. Sở cũng đề xuất UBND thành phố có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu “đầu vào” cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội.
“Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng được khuyến khích liên kết đầu tư xưởng sản xuất ngay tại các vùng nguyên liệu, để tận dụng nhân công, giảm chi phí, góp phần tạo nên chuỗi cung - cầu hoàn thiện, hiệu quả”, ông Đào Hồng Thái thông tin.