Ngân hàng nỗ lực tăng tín dụng tiêu dùng
Tài chính - Ngày đăng : 06:19, 30/08/2020
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 như hiện nay, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Thực tế, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân khá lớn, tín dụng "đen" có nguy cơ tăng cao, bởi vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng "đen".
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng được coi là một trong những động lực để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong nhiều tháng của năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp so với nhiều năm trước. Do đó, thay vì thắt chặt cho vay tiêu dùng như nhiều năm trước, các ngân hàng đã đẩy mạnh loại hình cho vay này.
Hiện cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ, còn nếu bóc tách ra tín dụng bất động sản nhà ở thì cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 12% tổng dư nợ. Bởi vậy dư địa để tín dụng tiêu dùng phát triển là rất đáng kể.
Trên thực tế, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã xác định cho vay bất động sản và cá nhân là trọng tâm, trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, chủ trương của ngân hàng hiện nay là đẩy mạnh cho người dân vay mua nhà, vì người vay giữ các tài sản khác có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi bất động sản có thể xuống giá, chậm thanh khoản nhưng ít bị mất đi. Ông Nguyễn Đức Vinh cũng nhấn mạnh, cho vay mua nhà là một trong những sản phẩm quan trọng của VPBank.
Không chỉ riêng VPBank, Techcombank, nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình… cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như cho vay mua nhà, mua ô tô, sản phẩm điện tử… để góp phần tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khuyến khích cho vay tiêu dùng song mức độ tăng trưởng đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa cho vay tiêu dùng không chỉ cần sự nỗ lực của ngân hàng, công ty tài chính mà còn cần sự phối hợp của nhiều chính sách. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, kích thích cho vay tiêu dùng phải gắn liền với bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời triển khai các gói vay mua nhà ở xã hội, đẩy nhanh thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Các ngân hàng, công ty tài chính cũng cần hiểu người tiêu dùng hơn, đánh giá thói quen của người dân.
Để thúc đẩy được tài chính tiêu dùng, các chuyên gia đều cho rằng, cần có thủ tục nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, tức là phải có phần mềm, chuyên gia để tập hợp dữ liệu, chấm điểm tiêu chí khách hàng phù hợp, an toàn. Riêng các công ty tài chính muốn đẩy mạnh tài chính tiêu dùng mà cứ ngồi chờ khách hàng tìm đến như ngân hàng thì khó cho vay được. Các doanh nghiệp cần tạo ra nhiều sản phẩm, chương trình, đặc biệt là nên có sự liên kết với các nhà cung ứng, bán hàng hay với nhà phân phối để có thể hỗ trợ nhau trong công tác quản lý nguồn vay này.
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch những tháng cuối năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng...