Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 30/08/2020

(HNM) - Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành Y tế Thủ đô đều đồng tình với nội dung phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo cần đưa ra những giải pháp cụ thể để hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.

Ngành Y tế Hà Nội đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.

Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền:
Nỗ lực tìm những hướng đi đột phá

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập tương đối đầy đủ về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân với nhiều đổi mới và tiến bộ. Tuy nhiên, dự thảo cần làm rõ hơn kết quả đạt được trong lĩnh vực này ở Thủ đô thời gian qua.

Cụ thể, ngành Y tế Hà Nội đã nỗ lực tìm những hướng đi đột phá, tập trung vào 3 khâu: Cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển những kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị và có nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trung ương, trong đó có một số lĩnh vực thế mạnh, như: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình… Hằng năm, các bệnh viện công lập đã khám, chữa bệnh cho 5-6,5 triệu lượt người. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú hằng năm gần 600 nghìn người. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến thành phố với 27 chuyên khoa đầu ngành, gồm nhiều kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao đang được áp dụng có hiệu quả và trở thành các kỹ thuật thường quy.

Trước tình hình dịch Covid-19 dự báo sẽ còn kéo dài, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần đề cập đến công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải chuẩn bị đầy đủ phương án nhân lực, cơ sở vật chất để ứng phó với tình huống dịch bệnh nói chung xảy ra tại cơ sở.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường:
Ưu tiên phát triển “y tế số”

Trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cần đề cập sâu hơn vấn đề ưu tiên phát triển “y tế số”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang không ngừng đổi mới và ứng dụng nhiều phần mềm hiện đại, tiện ích trong khám, chữa bệnh. Nhờ đó, mọi quy trình từ đăng ký khám, xét nghiệm đến thủ tục xuất viện cho người bệnh đều diễn ra thuận tiện, nhanh chóng. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai khám theo hẹn, mang lại hiệu quả bước đầu. Không chỉ giảm quá tải, giãn cách người bệnh vào những khung giờ cao điểm, việc đặt lịch khám trước còn giúp người bệnh không còn cảnh xếp hàng chờ khám.

Tiện lợi là vậy, song việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Do đó, khi đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh cần đưa ra giải pháp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để thống nhất các phần mềm, bảo đảm bí mật thông tin của người bệnh và cơ sở y tế, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy:
Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ chăm sóc người cao tuổi

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm mức tăng dân số hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và đầu tư chăm sóc sức khỏe trẻ em, người cao tuổi. Hiện tại, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng.

Cụ thể, thành phố có gần 960.000 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,7% dân số, trong đó khoảng 180.000 người trên 80 tuổi. Tuổi thọ người cao tuổi tăng, kéo theo gánh nặng bệnh tật, chủ yếu là các bệnh mạn tính, như: Tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, loãng xương… đang là thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế và cộng đồng. Do đó, thành phố cần đề cập đến những giải pháp cụ thể để ứng phó với vấn đề này.

Theo tôi, bên cạnh việc mở chuyên khoa dành cho người cao tuổi tại các bệnh viện, đào tạo các bác sĩ chuyên về lão khoa, một trong những hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiệu quả là dựa vào gia đình, cộng đồng với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe không chuyên và bán chuyên. Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thủ đô hiện có đội ngũ cộng tác viên dân số hùng hậu tại các phường, xã, thị trấn và hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chuyên hoặc bán chuyên tại cộng đồng.

Thu Trang