Hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn
Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 31/08/2020
- Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ rất lớn cho các hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình. Ông có thể cho biết về hoạt động giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay?
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo tập trung các nguồn lực để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Thực tế cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân, nhất là nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các hộ chính sách của thành phố.
Trong 8 tháng năm 2020, Chi nhánh đã giải ngân 3.830 tỷ đồng cho 92.625 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, trong đó cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 472 tỷ đồng (10.581 khách hàng); cho vay giải quyết việc làm 2.854 tỷ đồng (60.420 khách hàng); cho vay xây dựng mới và cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 420 tỷ đồng (21.035 khách hàng)... Tổng dư nợ hiện nay là 10.033 tỷ đồng.
- Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có không ít khó khăn trong quá trình đưa vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Mặc dù Trung ương và thành phố thường xuyên bổ sung nguồn vốn cho vay nhưng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn Hà Nội vẫn rất lớn. Thực tế cho thấy, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu, nhất là nhu cầu vay vốn giải quyết, duy trì việc làm. Bên cạnh đó, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người vay vốn. Đây là các đối tượng yếu thế của xã hội, mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ cá thể nên rất dễ gặp rủi ro và tổn thất trước những biến động về dịch bệnh. Điều đó ảnh hưởng đến việc đưa vốn tín dụng chính sách đến với người dân.
- Để giúp người dân vượt qua những khó khăn trước mắt; đồng thời thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố có những chương trình tín dụng gì, thưa ông?
- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như việc làm, thu nhập của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Để giúp người dân khắc phục những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hiện đang triển khai cho vay hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh tập trung ở một số chương trình như: Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn...
Trong tháng 5-2020, thành phố đã chuyển 650 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Với nguồn vốn được bổ sung này, ngay trong tháng 5-2020, chi nhánh đã giải ngân cho 14.118 khách hàng theo cơ chế chương trình cho vay giải quyết việc làm. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với người dân trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
- Vậy, ông có thể cho biết thêm những giải pháp, cũng như kế hoạch đối với nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm 2020 và những năm tiếp theo?
- Từ nay đến cuối năm 2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp giải ngân cho vay kịp thời nguồn vốn quay vòng từ thu nợ đến hạn. Dự kiến 4 tháng cuối năm 2020, Chi nhánh sẽ giải ngân khoảng 665 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng vay vốn giải quyết việc làm - khoảng 530 tỷ đồng.
Để chuẩn bị nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Trung ương bình quân tăng trưởng tối thiểu 6% một năm. Mặt khác, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; tập trung nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách.
- Trân trọng cảm ơn ông!