Cách gì phòng tránh nhiễm độc tố nguy hiểm botulinum?
Xã hội - Ngày đăng : 14:21, 31/08/2020
Thêm 4 bệnh nhân nhập viện sau khi ăn pate Minh Chay
Ngày 31-8, trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân tới khám và làm xét nghiệm sau khi ăn pate Minh Chay.
Trong 4 bệnh nhân này có một bệnh nhân nữ đã có biểu hiện yếu cơ, sụp mi nhưng không biết nguyên nhân do đâu. Trước khi đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân cũng đã đi tới một số cơ sở y tế điều trị. Khi nghe thông tin về pate Minh Chay có chứa độc tố, bệnh nhân đã tới Trung tâm Chống độc để kiểm tra sức khỏe.
Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận hai vợ chồng (trong đó, chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi, ở Hà Nội) mua và sử dụng hết một hộp pate Minh Chay vào đầu tháng 7-2020 nhưng chưa có biểu hiện lạ. Đến gần hết hộp thứ hai, hai bệnh nhân xuất hiện biểu hiện đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay, chân và khó thở. Ngày 18-8, hai bệnh nhân nhập viện với biểu hiện: Liệt từ vùng đầu, mặt, cổ, lan xuống tới tay, chân. Hiện nay, bệnh nhân nam trong tình trạng nặng, dù đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân liệt hoàn toàn, không thể thở được và phải phụ thuộc vào máy thở. Bệnh nhân nữ cũng bị liệt cơ, không tự ngồi dậy được, không tự ăn được và luôn có nguy cơ bị sặc, viêm phổi.
Liên quan tới việc điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, thuốc điều trị và giải độc cho các bệnh nhân này được xem là "thuốc mồ côi" do bệnh không xuất hiện nhiều, các doanh nghiệp không sản xuất phổ biến. Tại Việt Nam, hiện không có loại thuốc điều trị này. Do đó, ngay sau khi xuất hiện hai ca bệnh nặng, bệnh viện đã phải liên hệ với Bộ Y tế, các trung tâm chống độc tại Thái Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan, Việt Nam để có thuốc giải độc. Kết quả, sau hơn 10 ngày, ngày 29-8, thuốc giải độc này đã về tới Việt Nam và được sử dụng luôn trong ngày cho hai bệnh nhân.
"Giá của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD/lọ. Bệnh nhân được miễn phí do Tổ chức Y tế thế giới đã chi trả. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Chống độc cũng vô cùng trăn trở, bởi nếu xuất hiện thêm những ca bệnh tương tự thì rất khó khăn do nguồn thuốc này vô cùng hiếm", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Phòng nhiễm độc như thế nào?
Đề cập độc tố botulinum có trong pate Minh Chay, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Không chỉ sản phẩm chay, loại vi khuẩn clostridium botulinum phát triển trong môi trường giàu protein, như thịt, sữa... Nếu trong môi trường sản xuất, sản phẩm không được thanh trùng cẩn thận thì trong quá trình bảo quản, vi khuẩn sẽ xuất hiện, sinh sôi và sinh ra độc tố. Nếu nồng độ độc tố mạnh có thể gây chết người ngay lập tức, nồng độ thấp thì sẽ gây ngộ độc", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.
Còn theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ngay cả những công ty chế biến thực phẩm nổi tiếng, uy tín thế giới cũng dễ xảy ra sự cố tương tự. Đây cũng là bài học để các công ty kinh doanh thực phẩm tuân thủ chặt chẽ hơn về quy định chống nhiễm khuẩn, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đề cập độc tố botulinum, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, đây là chất độc "khét tiếng" số 1 thế giới. "Với liều 0,004μg/kg cân nặng, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Chỉ cần 1kg botulinum đủ giết chết 1 tỷ người. Botulinum là ông vua của tất cả các chất độc, hơn cả thạch tín", bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh.
Tuy là chất độc nguy hiểm như vậy, nhưng theo bác sĩ Trần Văn Phúc, botulinum lại không chịu được nhiệt. Nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực. Nếu đun đến 10 phút, chất độc có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm. Nhưng với thực phẩm chế biến sẵn, dù đã đun nóng ở nơi sản xuất, thì vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông, nó được bảo quản trong vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay chứ không đun sôi lại, vì thế mà khó bảo đảm an toàn. "Để phòng ngộ độc, từ khâu nuôi trồng đến chế biến và vận chuyển, cuối cùng là ăn uống cần phải thực hành sạch sẽ, bảo đảm ăn chín, uống sôi", bác sĩ Trần Văn Phúc khuyến cáo.
Ngày 31-8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có Công văn hoả tốc số 1167/KCB-NV gửi Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh về việc báo cáo ca bệnh ngộ độc độc tố botulinum. Theo đó, những ngày qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 3 bệnh viện nêu trên có tiếp nhận 9 ca bệnh nhiễm độc nghi do độc tố botulinum từ pate Minh Chay, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị, các bệnh viện thống kê danh sách các ca bệnh có dấu hiệu nhiễm độc tố botulinum và có tiền sử sử dụng thực phẩm pate Minh Chay. Mặt khác, báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh trên và tình trạng hiện tại của bệnh nhân gửi báo cáo khẩn về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trong ngày 31-8 để có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi tiếp nhận ca bệnh mới.
Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thu hồi sản phẩm chay bị nhiễm khuẩn
Ngày 31-8, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND 24 quận, huyện kiểm tra, giám sát trên thị trường, chủ động thu hồi các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, sau khi Bộ Y tế ra khuyến cáo thực phẩm chay của công ty này bị nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra 13 sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới; tổ chức thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm.
Riêng với sản phẩm pate Minh Chay, ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm, niêm phong sản phẩm và phần sản phẩm còn lại nếu còn và bảo quản ở khu vực riêng biệt; theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Tính đến ngày 31-8-2020, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã xác minh được 1.290 khách hàng tại thành phố Hồ Chí Minh có mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7 và 8-2020, bằng hình thức online.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Ban đã khẩn cấp liên lạc với từng khách hàng để khuyến cáo không được sử dụng thực phẩm này trong thời gian chờ thu hồi.
Thu Hoài