Triển lãm ảnh ''Độc lập'' tại Hoàng thành Thăng Long
Văn hóa - Ngày đăng : 14:26, 31/08/2020
Triển lãm giới thiệu 100 tài liệu, hình ảnh, gồm ba nội dung: "Khát vọng độc lập dân tộc", "Ngày độc lập", "Sự lan tỏa của khát vọng độc lập", khẳng định độc lập, tự do là quyền và khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam, đã và đang được giữ gìn, hun đúc đồng hành cùng lịch sử dân tộc, sẵn sàng bùng cháy mỗi khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm.
Thông qua triển lãm, công chúng hiểu về một Việt Nam phải đương đầu với những mối họa xâm lăng, nhưng cũng từ đó, nền độc lập dân tộc được giữ vững và bảo vệ trong thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
Đó là những hình ảnh về Chiếu dời đô năm 1010 của vua Lý Công Uẩn khi quyết định dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên thành Thăng Long; bài thơ thần Nam quốc sơn hà vang lên tại phòng tuyến sông Như Nguyệt vào năm 1077, đề cao tinh thần tự tôn của một dân tộc độc lập; Bình Ngô đại cáo năm 1428 - Áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi, được xem là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam.
Với những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, công chúng được thấy lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên thuộc cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ tại Tân Trào năm 1945, Tuyên ngôn của Ủy ban Dân tộc giải phóng, Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa hạ lệnh tổng khởi nghĩa vào lúc 23h ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Quốc dân đại hội tại Tân Trào từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945... Ấn tượng nhất là hình ảnh các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn...
Ngày 2-9-1945 - Ngày độc lập là thời khắc thiêng liêng trên Quảng trường Ba Đình với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Một lần nữa, khát vọng độc lập được lan tỏa, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Những sự kiện lịch sử trọng đại đều để lại dấu ấn trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long, là những mốc son trong dòng chảy lịch sử chung của dân tộc.
Triển lãm mở cửa đến hết tháng 9-2020. Bên cạnh đó, triển lãm còn có phiên bản trực tuyến tại đây, phục vụ công chúng yêu lịch sử chưa có điều kiện tham quan trực tiếp.