Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 6 địa phương
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 21:56, 31/08/2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhấn mạnh nội dung này khi chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc một số tỉnh miền núi phía Bắc về tình hình xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.
Tham dự buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên có Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc; lãnh đạo, đại diện UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang; lãnh đạo một số bộ, cơ quan trung ương; đại diện Tập đoàn VNPT.
Ngay trước buổi làm việc, Tổ công tác đã khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng việc triển khai, đáp ứng các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử; khảo sát bộ phận một cửa nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung và trung tâm chỉ đạo, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thái Nguyên…
Không để nhiệm vụ nào quá hạn
Phát biểu tại buổi làm việc, nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “quyết tâm không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, không nhiệm vụ nào quá hạn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, đề nghị các địa phương báo cáo, đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết.
“Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Thái Nguyên đang chuẩn bị được đưa vào vận hành, chúng tôi rất mừng vì tỉnh đã dành một vị trí rất đắc địa cho trung tâm này, cho thấy quyết tâm cải cách rất lớn của tỉnh và quyết tâm cải cách này cũng sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng rất lớn”, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá và đặt vấn đề, làm sao để Thái Nguyên là đầu tàu dẫn dắt các tỉnh trong công tác xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính.
Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý các địa phương.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là với vùng sâu, vùng xa, việc đẩy mạnh cải cách, xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ giúp bất cứ người dân nào dù ở đâu cũng được hưởng lợi ích, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời, việc đẩy mạnh cải cách cũng sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng lớn.
Tổ trưởng Tổ công tác cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý các địa phương hàng loạt vấn đề cụ thể, như với việc cung cấp các dịch vụ công, số lượng dịch vụ được công bố không quan trọng bằng số hồ sơ phát sinh, làm sao để giải quyết được nhiều hồ sơ nhất cho người dân và doanh nghiệp.
“Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, thì ngay sau khi bổ nhiệm cán bộ, thông báo mẫu chữ ký, phải cấp chứng thư số cho đồng chí đó một cách nhanh nhất để bắt tay vào làm việc một cách nhanh nhất”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính.
Theo đó, 6/6 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi/nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia và hầu hết đã thực hiện gửi/nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Tuy nhiên, một số tỉnh có số lượng hồ sơ đồng bộ chưa cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.
Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được các tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời, đến nay không có phản ánh, kiến nghị quá hạn.
Về triển khai cải cách thủ tục hành chính, các tỉnh đã nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lạng Sơn (99,82%), Thái Nguyên (99,36%), Tuyên Quang (99%). Bên cạnh đó, còn có địa phương có tỷ lệ giải quyết quá hạn còn cao như Hà Giang (7,76%).
Việc thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động bộ phận một cửa và bố trí trụ sở được thực hiện theo quy định, cho thấy những kết quả tích cực trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Có 5/6 địa phương tổ chức theo hình thức Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, trong đó Thái Nguyên đang chuẩn bị đưa vào hoạt động chính thức trong quý III-2020.
Một số tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Riêng Thái Nguyên đã sớm ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025.
Xây dựng chính quyền phục vụ là quan tâm hàng đầu
Tuy nhiên, công tác xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính ở các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), thành viên Tổ công tác cho biết hầu như các tỉnh chưa hoàn thành triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của địa phương theo thời hạn nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là tháng 3-2020.
Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của cả 6 địa phương đều rất chậm, chủ yếu mới tích hợp cung cấp dưới 10 dịch vụ công và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3-2020. Thêm vào đó, còn nhiều dịch vụ công, thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 411/QĐ-TTg.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khác đang trong giai đoạn thực hiện nâng cấp. Cơ sở vật chất, hạ tầng (máy tính, máy quét văn bản, hạ tầng mạng…) chưa đáp ứng được yêu cầu.
Số lượng hồ sơ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và số lượng hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít, nhiều dịch vụ công không phát sinh hồ sơ thực hiện.
“Một phần do người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chưa có thói quen, còn tâm lý lo ngại về an toàn thông tin hoặc chưa rõ ràng về việc chứng thực cho các hồ sơ pháp lý trên mạng; trình độ và điều kiện sử dụng thiết bị CNTT của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều hạn chế”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đề nghị trong thời gian còn lại của năm 2020, các địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ, góp phần thực hiện quyết tâm của Thủ tướng là giữ được tăng trưởng dương trong năm nay. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể liên quan tới tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo quyết liệt.
Thời gian qua, các văn bản pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, các hệ thống nền tảng, cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh xây dựng và đang tiếp tục được khẩn trương hoàn thiện. Tổ công tác đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao.
“Chúng ta đã làm tốt việc kết nối các cơ quan Nhà nước với nhau, bây giờ quan trọng là phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là việc phải quan tâm hàng đầu, là dư địa tăng trưởng lớn. Nếu không làm tốt việc này thì khó có thể nói là chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng nhắc lại mục tiêu tới cuối năm nay, ít nhất phải có 30% dịch vụ công của các bộ, cơ quan, địa phương được đồng bộ, kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ sẽ kiểm soát lại quy trình thủ tục các dịch vụ này.
“Phải thực sự cải cách mới đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cũng như phải cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3, 4, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tăng chi phí…, làm thủ tục không phụ thuộc địa giới hay thời gian”, Bộ trưởng nhấn mạnh.