Xây dựng đô thị văn minh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 01/09/2020

(HNM) - Lâu nay, diện mạo đô thị ở không ít khu vực của Hà Nội có phần nhếch nhác. Những vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời không được xử lý dứt điểm chính là thủ phạm khiến bộ mặt đô thị loang lổ như bức tranh lỗi màu.

Trong đó, nhiều quảng cáo ngoài trời ngang nhiên tồn tại ngay cả khi không có giấy phép xây dựng; các khung quảng cáo vượt kích cỡ, tiêu chuẩn quy định, lắp đặt sai vị trí... Vi phạm không chỉ xuất hiện ở khu vực lõi đô thị - là nơi tồn tại nhiều vi phạm cũ; mà còn xuất hiện các khu đô thị mới và tuyến phố mới - nơi vốn được quản lý chặt chẽ theo những quy chuẩn hiện hành về quảng cáo... Thậm chí, với công trình đặc trưng như cầu vượt dành cho người đi bộ, quảng cáo ngoài trời được quản lý theo những điều kiện riêng, nhưng chủ thể quảng cáo là Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing vẫn cố tình vi phạm cho dù đã bị xử phạt hành chính với số tiền không nhỏ (259 triệu đồng)...

Hệ quả của thực trạng trên không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn có nguy cơ gây mất an toàn với cộng đồng dân cư bởi dễ gây tai nạn, chập cháy điện...

Thực trạng này bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ của quy định pháp luật; công tác quản lý của một số cơ quan chức năng chưa hiệu quả và các vi phạm chưa được xử lý quyết liệt, dứt điểm...

Để quy định về quảng cáo ngoài trời được thực thi nghiêm túc, qua đó góp phần giúp đô thị thật sự sạch, đẹp, các cấp, ngành chức năng của thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, yếu tố cốt lõi nhất để việc xử lý vi phạm hiệu quả là phải có hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ. Các hướng dẫn thực hiện phải được ban hành ngay sau khi có quy định mới, không tạo khoảng trống dẫn đến vi phạm có cơ hội phát sinh.

Song, để quy định pháp luật trong lĩnh vực này đi vào cuộc sống thì yếu tố con người mới là quyết định. Do quảng cáo ngoài trời liên quan đến nhiều cấp, ngành nên bên cạnh sự phối hợp quản lý chặt chẽ, cần sự phân chia cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị liên quan để tránh tình trạng đùn đẩy, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Hà Nội hiện đã có quy hoạch quảng cáo ngoài trời (Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24-4-2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050). Trên cơ sở đó, các cấp, ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ ngay từ khi cấp phép và giám sát trong quá trình đơn vị quảng cáo triển khai để kịp thời ngăn chặn vi phạm. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ dân phố ở cấp cơ sở trong việc tham gia giám sát nhằm phát hiện vi phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý ngay khi manh nha.

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai một số tuyến phố văn minh kiểu mẫu như Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm); hay trước đó (từ năm 2010) đã xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo như: Thái Hà, Chùa Bộc (quận Đống Đa), trong đó, quảng cáo ngoài trời được quản lý khá khoa học, bài bản. Từ những mô hình này, cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm, tìm những giải pháp quản lý quảng cáo ngoài trời hiệu quả hơn.

Về phía các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời, cần tuân thủ các quy định trong quá trình kinh doanh, triển khai các phương án bảo đảm an toàn và mỹ quan cho phố phường.

Chỉ khi quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp, những tấm “áo vá” quảng cáo ngoài trời mới được xóa bỏ, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

Thiện Mỹ