Bài cuối: Phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu
Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 02/09/2020
Nhà vệ sinh, mất... vệ sinh
Hình ảnh người lái xe taxi nhăn nhó, bịt mũi vội vã đi ra từ nhà vệ sinh công cộng ở cổng sau Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) sáng 31-8 dường như đã không còn là chuyện lạ. Theo quan sát của phóng viên, xung quanh nhà vệ sinh này bị “bao vây” bởi hàng chục xe chứa rác thải và taxi. Mùi hôi thối từ rác thải, lối vào chật chội cộng với sự xuống cấp của nhà vệ sinh khiến không ai muốn vào khi có nhu cầu sử dụng. Anh Trần Tiến Hùng, lái xe taxi quanh Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Cực chẳng đã cánh tài xế như chúng tôi và những người bán hàng rong mới phải đi vệ sinh trong điều kiện mùi hôi do tắc cống nhà vệ sinh như thế này”.
Cách đó không xa, nhà vệ sinh công cộng ở đầu đường Nguyễn Hoàng cũng trong tình cảnh tương tự. Chị Đàm Thị Hồng, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - Chi nhánh Cầu Diễn nói: "Do hệ thống thoát nước chưa đạt yêu cầu nên nhà vệ sinh thường xuyên bị tắc, chúng tôi cũng dọn dẹp nhưng vẫn không hết mùi”.
Tại nhà vệ sinh công cộng ngã ba Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm), điểm khiến người dân e ngại nhất khi bước chân vào là cả 2 phòng đều bị tắc bồn cầu. Một bất tiện khác là trước khi vào nhà vệ sinh, người dân phải đi qua hàng trà đá bày bán trước lối vào, có căng bạt và bày cốc chén, phích dọc lối lên xuống.
Theo Phó Giám đốc URENCO - Chi nhánh Cầu Diễn Trần Văn Khải, nếu chủ đầu tư đầu tư hệ thống thoát nước tốt ngay từ đầu thì không có tình trạng hỏng hóc, nhà vệ sinh mà mất... vệ sinh như nêu trên. “Hiện việc sửa chữa những hỏng hóc chỉ mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt. Về lâu dài, chủ đầu tư phải duy tu, sửa chữa những hạng mục chính để cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng”, ông Khải cho hay.
Nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trong 3 loại nhà vệ sinh công cộng của thành phố hiện nay thì đối với những công trình được xây bằng gạch trước năm 1990, UBND một số quận đã lấy ý kiến nhân dân dỡ bỏ để xây dựng nhà vệ sinh mới kết hợp nhà sinh hoạt cộng đồng, hoặc thực hiện nâng cấp, sửa chữa tiếp tục phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, hệ thống nhà vệ sinh công cộng được đầu tư theo hình thức xã hội hóa của Công ty Vinasing hiện có tới 64/79 nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng, hiệu quả sử dụng không cao. Do vậy, URENCO - Chi nhánh Cầu Diễn đã gửi văn bản đến chủ đầu tư đề nghị xem xét, khắc phục nhưng việc xử lý rất chậm trễ.
Trước thực trạng này, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục tồn tại, đồng thời hoàn thiện báo cáo tổng thể về việc đầu tư hệ thống nhà vệ sinh. Trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực triển khai dự án, không thực hiện đúng cam kết, Sở đề xuất UBND thành phố dừng dự án.
Về công tác phát triển nhà vệ sinh công cộng, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chủ trương chỉ đạo của UBND thành phố là thực hiện lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng hiện đại thông qua nguồn kinh phí xã hội hóa để tăng cường số lượng, phục vụ người dân tốt hơn. Đến nay, ngoài dự án lắp đặt 500 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Vinasing đang triển khai, đã có một số nhà đầu tư khác: Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Môi trường Kim Hoàng Hiệp; Công ty TNHH Thế giới Xanh; Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong đề xuất đầu tư lắp đặt nhà vệ sinh công cộng. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, hiện một nhà vệ sinh công cộng tự động sử dụng năng lượng mặt trời đã được Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm hướng dẫn Công ty Tiên Phong lắp đặt tại phố Đinh Lễ. Qua thời gian thí điểm sẽ đánh giá, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Sở Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc duy trì các nhà vệ sinh công cộng. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nâng cao chất lượng duy trì các nhà vệ sinh công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm chất lượng...
Các bên liên quan thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình, người dân cùng có ý thức khi sử dụng, có như vậy mới phát huy hiệu quả của nhà vệ sinh công cộng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo hình ảnh đẹp, văn minh đô thị của Thủ đô.