Yêu cầu ''vượt bão''
Thể thao - Ngày đăng : 06:24, 03/09/2020
Cho đến nay, nhiều giải đấu thể thao trong nước dự kiến được tổ chức trong thời gian qua đã phải dừng lại - bị hủy bỏ hoặc phải dời thời gian tổ chức sang thời điểm khác. Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA 5x5) dự kiến diễn ra từ ngày 2-7 đến ngày 31-10 tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Nẵng, nay đã có quyết định tạm hoãn. Giải Aerobic Cúp Câu lạc bộ toàn quốc, dự kiến khai mạc vào ngày 28-8 tại Đồng Nai, đã bị hủy. Giải vô địch Cờ vua trẻ xuất sắc toàn quốc tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 31-8, đã có quyết định tạm hoãn. Quyết định tạm dừng hoặc hủy bỏ việc tổ chức cũng được áp dụng với nhiều giải đấu khác, trong đó quan trọng nhất là các trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch bóng đá quốc gia thuộc nhiều cấp độ.
Dù vậy, cuộc sống không thể dừng lại, các hoạt động thể thao cũng vậy. Bởi ngay cả khi nhiều giải đấu không được tổ chức hoặc tạm hoãn nhằm bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì việc tập luyện, duy trì thể lực và phong độ của các vận động viên, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia, là không thể dừng lại. Do yêu cầu mang tính đặc thù, nếu việc luyện tập bị ngưng trệ trong một khoảng thời gian dài, chúng ta có thể “mất” nhiều tài năng ở trình độ đỉnh cao và không thể hoàn thành nhiệm vụ khi các giải thể thao quốc tế ở khu vực, châu lục và thế giới được tổ chức trở lại như SEA Games, AFF Cup, Olympic... Đó là chưa tính đến yêu cầu đáp ứng nhu cầu giải trí của người hâm mộ thể thao Việt Nam.
Bởi vậy, cũng như hoạt động sản xuất và nhiều lĩnh vực khác, thể thao Việt Nam phải tìm cách vượt qua nghịch cảnh để hướng về phía trước. Hành trình “vượt bão” chắc chắn có nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc và cách ứng xử rõ trách nhiệm của cả nhà quản lý, các huấn luyện viên, vận động viên cũng như người hâm mộ, để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa tổ chức hoạt động thể thao phát triển ổn định.