Bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô

Công nghệ - Ngày đăng : 07:16, 04/09/2020

(HNM) - Với gần 10.000ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng của thành phố Hà Nội, rừng ở huyện Ba Vì tập trung tại 7 xã miền núi thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì, có vai trò quan trọng trong điều hòa môi trường sinh thái của Thủ đô. Để bảo vệ “lá phổi xanh” này, những năm qua, huyện Ba Vì cùng đơn vị quản lý rừng và người dân đã có nhiều biện pháp cụ thể, hiệu quả...

Nhờ bảo vệ hiệu quả, nhiều diện tích rừng của Ba Vì đã được phủ xanh, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Trong ảnh: Một góc khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì).

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, tại rừng Ba Vì, ngoài thảm động, thực vật quý hiếm còn có rất nhiều di tích lịch sử tâm linh, danh lam thắng cảnh như: Đền Thượng, Đền thờ Bác Hồ, Khu K9; các khu du lịch: Khoang Xanh, Ao Vua, Suối Tiên… Đây là vành đai xanh, "lá phổi" của Thủ đô, vì vậy việc quản lý, phát triển, bảo vệ sinh thái rừng luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm...

Ông Trần Anh Hào ở thôn Đồi Bù Lu, xã Khánh Thượng chia sẻ: "Trong những năm qua, nhờ bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, đời sống người dân trong vùng ngày càng nâng cao. Như gia đình tôi, nhờ cải tạo đất trống, đồi núi trọc, trồng cây gây rừng, đến nay đã có hàng chục héc ta rừng trồng xanh tốt với các loại cây lâm nghiệp xen kẽ cây ăn quả giá trị cao, như bưởi, cam, bơ… thu hàng tỷ đồng mỗi năm".

Thông tin thêm về rừng Ba Vì, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chiu cho hay, ngoài diện tích rừng tự nhiên do Vườn quốc gia Ba Vì quản lý, Khánh Thượng có hơn 640ha rừng trồng được chăm sóc và bảo vệ tốt. Những năm gần đây, các hộ còn trồng thêm cây công trình như sấu, sao đen... cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Chu Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua chia sẻ, từ khi được địa phương giao khoán trông coi hơn 100ha rừng, đơn vị không để xảy ra cháy rừng. Nhờ bảo vệ, chăm sóc tốt, từ chỗ rừng nghèo nay phát triển xanh tốt, làm sạch không khí, tạo môi trường cho du lịch xanh phát triển...

Đồng quan điểm, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế chia sẻ, công tác bảo vệ rừng luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Ngoài lực lượng kiểm lâm chính quy tham gia quản lý bảo vệ rừng, chính quyền cùng người dân sinh sống trong vùng đệm của Vườn quốc gia đều tích cực tham gia bảo vệ rừng hiệu quả. Đặc biệt, nhiều năm nay, Ba Vì không để xảy ra cháy rừng...

Nhận thức giá trị việc bảo vệ rừng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết, với phương châm "Quản lý và bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân", các cấp, các ngành thuộc huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Một trong những kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng bền vững của huyện là triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi Ba Vì. Cụ thể như: Phát triển chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản... gắn với phục vụ du lịch. Nhờ vậy, đời sống người dân khá lên, không phụ thuộc hoàn toàn vào rừng nên ý thức bảo vệ rừng theo đó được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cuối năm 2019 đạt 40,5 triệu đồng/người/năm.

"Ngoài tăng cường trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, hằng năm huyện Ba Vì phối hợp với Sở NN&PTNT tập huấn, nâng cao nhận thức người dân tại các xã có rừng. Thời gian tới, huyện tiếp tục cùng các đơn vị trên địa bàn tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng theo quy hoạch; phát triển kinh tế rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái" - Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh khẳng định.

Sơn Tùng