Trên đà ổn định lại

Thể thao - Ngày đăng : 07:37, 04/09/2020

(HNMCT) - Bóng đá thế giới cũng như Việt Nam không tránh khỏi sự loạng choạng khi “cơn bão” Covid-19 quét qua. Từ đầu năm 2020, nhiều giải đấu phải tạm hoãn trước khi trở lại với khán đài trống vắng, một số nước thậm chí hủy bỏ việc tổ chức khi mùa bóng 2019 - 2020 còn dang dở... Tuy nhiên, giữa khó khăn chồng chất, bóng đá trên toàn thế giới đã không đầu hàng.

Cầu thủ các CLB vẫn miệt mài tập luyện chờ V.League 2020 tái khởi động. Ảnh: Đăng Huy

“Hiệp 1” sóng gió

Lễ đón mừng năm mới 2020 qua chưa được bao lâu thì các giải bóng đá cấp độ cao nhất ở Việt Nam và thế giới đã phải tạm dừng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Giữa tháng 3, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra quyết định tạm dừng các trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá quốc gia (V.League) năm 2020 dù giải mới diễn ra được hai vòng đấu, sau khi Tổng cục Thể dục thể thao có công văn hỏa tốc về việc yêu cầu tạm dừng các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Gần 3 tháng sau, ngày 5-6, khi dịch Covid-19 tạm lắng, V.League 2020 và một số giải đấu cấp quốc gia khác được phép quay trở lại, trước khi một lần nữa phải tạm dừng vào cuối tháng 7 khi có các ca bệnh Covid-19 mới xuất hiện tại Đà Nẵng, sau đó lan ra nhiều địa phương khác.

Tình hình bóng đá thế giới, đặc biệt là châu Âu, không khác nhiều so với Việt Nam, cũng là chu trình tạm dừng - trở lại dù nhiều nước khá “cởi mở” trong công tác chống dịch. Từ giữa tháng 3, các giải bóng đá quốc gia tại Italia, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha - những nền bóng đá hàng đầu châu Âu - đã phải tạm dừng, ngay cả kiến nghị về việc cho phép tiếp tục tổ chức giải đấu với điều kiện không cho khán giả vào sân cũng không được chấp nhận. Một số quốc gia, như Hà Lan thậm chí còn ra quyết định dừng hẳn việc tổ chức mùa giải 2019 - 2020.

Liên đoàn Bóng đá châu Âu cũng phải tạm dừng việc tổ chức các trận đấu thuộc vòng 1/8 trong khuôn khổ giải Champions League và Europa League, và dời thời gian tổ chức vòng chung kết EURO 2020 sang năm 2021... Cho tới nay, dù đa số giải đấu tại các quốc gia châu Âu đã kết thúc với việc tìm ra nhà vô địch mùa giải 2019 - 2020 và đội bóng giành ngôi quán quân Europa League, Champions League nhưng hậu quả do dịch Covid-19 gây ra là vô cùng lớn.

Doanh thu của các câu lạc bộ giảm mạnh, khán giả không có cơ hội tới sân vận động vào mỗi cuối tuần, các đội tuyển quốc gia bị động trong việc tập trung cho các giải đấu lớn, đó là ba thất bại lớn nhất của bóng đá thế giới trong mùa giải vừa qua. Nói một cách khác, nếu coi khoảng thời gian vừa qua toàn cầu vật lộn với dịch Covid-19 như một trận bóng đá thì trong hiệp 1, bóng đá thế giới có nhiều lúc gần “lấm lưng trắng bụng”.

Niềm hy vọng trong khó khăn

Tuy vậy, trong điều kiện đặc biệt khó khăn, vẫn có thể thấy sức sống của bóng đá thế giới mạnh mẽ như thế nào.

Tại Việt Nam, cách đây ít ngày, VPF đã đưa ra kế hoạch nối lại việc tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ Cúp Quốc gia, V.League 2020 từ tháng 9. Theo thông báo của VPF, việc khán giả có được vào sân hay không tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19 nhưng điều đó không ảnh hưởng tới quyết tâm đưa bóng đá đỉnh cao quay trở lại. Về phía các câu lạc bộ, tất cả sẵn sàng cho ngày trở lại. Chủ tịch câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An - Nguyễn Hồng Thanh nêu rõ: “Cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch và Sông Lam Nghệ An cũng vậy. Nhưng chúng tôi luôn duy trì việc tập luyện, sẵn sàng khi giải đấu quay trở lại”.

Trên bình diện quốc gia, tâm thế bóng đá Việt Nam là khá ổn. Huấn luyện viên Park Hang-seo vừa gọi tập trung đội tuyển U22 quốc gia để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Việt Nam chính thức nhận quyền đăng cai hai bảng đấu trong khuôn khổ AFC Cup 2020... Đó là chưa kể trong lần V.League 2020 quay trở lại vào đầu tháng 6-2020, báo chí quốc tế đồng loạt ca ngợi Việt Nam đã tổ chức hơn 400 trận đấu trong khuôn khổ các giải đấu bóng đá nam, nữ, futsal... với hàng trăm nghìn cổ động viên tới sân trong lúc bóng đá thế giới tê liệt vì dịch Covid-19.

Bóng đá châu Âu cũng có tín hiệu trở lại một cách chủ động. Giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2020-2021 chính thức khởi tranh từ ngày 12-9. Các trận đấu tập huấn để chuẩn bị cho mùa giải mới đang được tổ chức với sự tham gia của khán giả - tất nhiên là ở mức hạn chế và phải tuân thủ yêu cầu phòng dịch, như đã thấy qua trận đấu giao hữu giữa câu lạc bộ Chelsea và Brighton (Anh) vào tối 29-8. Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều có ý định cho phép một lượng khán giả vào sân theo dõi các trận đấu sắp tới...

Rõ ràng là dịch Covid-19 không thể “bức tử” bóng đá thế giới, trong đó có Việt Nam. Tất cả chỉ là một chút chậm lại trước khi thích ứng và quay trở lại chủ động, an toàn hơn.

Vân Anh