Vượt khó để dạy tốt, học tốt

Giáo dục - Ngày đăng : 06:11, 05/09/2020

(HNM) - Hôm nay, 5-9, các em học sinh trên cả nước nói chung, hơn 2,1 triệu học sinh của Thủ đô Hà Nội nói riêng chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thầy, trò ngành Giáo dục quyết tâm khắc phục, vượt qua để bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa dạy tốt, học tốt trong tình hình mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn học sinh sử dụng nước rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Thái.

Tạo thuận lợi nhất cho học sinh

Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành Giáo dục và các địa phương, công tác chuẩn bị đón năm học mới được triển khai bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra. Tinh thần xuyên suốt trong công tác chuẩn bị đón năm học mới của ngành Giáo dục và các địa phương là tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19, giúp các em vừa bảo đảm sức khỏe, vừa đạt được các yêu cầu về chuẩn kiến thức.

Điều ấy thể hiện ngay từ kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, với quy định học sinh tựu trường muộn hơn mọi năm (sớm nhất từ ngày 1-9) và không phải tập dượt trước lễ khai giảng. Đặc biệt, trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Theo đó, toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch, vừa dạy - học chất lượng. Đây cũng là năm học đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giảm thời lượng học tập cho học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 37 tuần xuống còn 35 tuần.

“Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học ở 10 môn học cho học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp vừa nhằm giảm vất vả cho học sinh, vừa giúp các nhà trường chủ động thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành thông tin.

Ủng hộ chủ trương này, bà Lê Thúy Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng: “Việc giảm tải cho học sinh là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các con đi học có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Còn em Nguyễn Đức Minh, học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) hào hứng: “Em rất vui vì năm nay sẽ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè…”.

Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi (quận Ba Đình) vệ sinh lớp học sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới. Ảnh: Nguyễn Quang.

Dạy và học trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, song với sự nỗ lực và quyết tâm cao để hoàn thành “mục tiêu kép”, ngành Giáo dục và các trường học ở Thủ đô đã có nhiều giải pháp, chủ động xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19.

Để chuẩn bị cho học sinh lớp 1 - lứa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, cùng với hơn 700 trường học ở Hà Nội, Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) đã trang bị các điều kiện tốt nhất về mọi mặt. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B Đỗ Thị Mai cho biết, việc dạy học sinh lớp 1 đòi hỏi nhiều yêu cầu, nhà trường đã chọn những giáo viên vừa có trình độ chuyên môn, vừa có kinh nghiệm để giao nhiệm vụ.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, để giữ vững vị trí tốp đầu thành phố về chất lượng giáo dục, 81 trường học trên địa bàn quận tập trung nguồn lực đầu tư để xây dựng trường học hạnh phúc, trong đó đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy - học, biên soạn ngân hàng câu hỏi trực tuyến và hướng dẫn học sinh tham gia lớp học trực tuyến.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, trên địa bàn huyện có 72 trường công lập với hơn 54.000 học sinh. Dù ngân sách hạn chế, việc huy động từ nguồn xã hội hóa khó khăn, song các nhà trường đã chủ động bố trí mọi điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch và dạy - học bảo đảm chất lượng. Huyện vừa hoàn thành xây mới Trường Trung học cơ sở Tam Đồng tại địa điểm mới, dành nền đất cũ để mở rộng Trường Tiểu học Tam Đồng. Huyện cũng xây dựng mới 355 phòng học, bổ sung 149 phòng chức năng, không để xảy ra việc thiếu phòng học và trang thiết bị phục vụ học tập.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện kế hoạch năm học theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và giữ an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19. Một trong những giải pháp được tập trung triển khai là tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng bổ sung trường, lớp nhằm giảm sĩ số học sinh/lớp ở những nơi vượt quá quy định; nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia; phát triển đội ngũ giáo viên với các tiêu chí chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, phẩm chất đạo đức tốt...

“Các địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất, bảo đảm cho học sinh bước vào năm học mới an toàn, không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Thống Nhất